- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 14/01/2021
- Tác giả: Ban biên tập
BLLĐ 2019 ra đời đã có nhiều điểm mới, thay đổi rất nhiều so với BLLĐ 2012; thể hiện sự bảo vệ rất lớn cho nhóm NLĐ; tuy nhiên cũng không thiếu các quy định thể hiện sự dung hòa mối quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ. Mối quan hệ giữa NSDLĐ và NLĐ là quan hệ vừa phụ thuộc vừa mâu thuẫn lẫn nhau, do đó để hài hòa được mối quan hệ này, Nhà nước cần có những quy định phù hợp để vừa có thể bảo vệ được cho bên yếu thế là NLĐ, nhưng cũng cần bảo đảm được những quyền và lợi ích hợp pháp cho phía NSDLĐ.
Một trong những quy định thể hiện điều đó chính là quy định về trợ cấp thôi việc. Trợ cấp thôi việc được ví như một “món quà tri ân” mà NSDLĐ trả cho NLĐ sau một thời gian cống hiến cho đơn vị sử dụng lao động, cũng là khoản tiền giúp cho NLĐ có thể trang trải tạm thời khi tìm kiếm công việc mới. Tuy nhiên, không phải trong trường hợp chấm dứt HĐLĐ nào, NLĐ cũng được hưởng khoản tiền này. Vậy những trường hợp nào thì NSDLĐ sẽ không phải trả cho NLĐ khoản tiền này? Những điều kiện để NLĐ được hưởng khoản trợ cấp thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ là gì? Câu hỏi này sẽ được Luật Thành Đô giải đáp trong bài viết này.

I. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Lao động năm 2019.
II. Điều kiện để NLĐ được hưởng và cách tính trợ cấp thôi việc khi chấm dứt HĐLĐ
2.1. Điều kiện để NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc
Trợ cấp thôi việc là khoản tiền mà NSDLĐ phải trả cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ thuộc các trường hợp theo quy định của pháp luật lao động.
NLĐ làm việc cho NSDLĐ thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên chấm dứt HĐLĐ trong các HĐLĐ sau đây được hưởng trợ cấp thôi việc:
– Hết hạn HĐLĐ.
– Đã hoàn thành công việc theo HĐLĐ.
– Hai bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ.
– NLĐ bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong HĐLĐ theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
– NLĐ chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết
– NSDLĐ là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
– NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 35 của BLLĐ 2019.
– NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 36 BLLĐ 2019.
2.2. Cách tính trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 46 BLLĐ 2019, mức trợ cấp thôi việc của NLĐ được xác định tùy thuộc vào thời gian NLĐ đã làm việc cho NSDLĐ và mức lương làm căn cứ tính trợ cấp của NLĐ, cứ mỗi năm NLĐ thực tế làm việc cho NSDLĐ được trợ cấp bằng nửa tháng lương.
Trợ cấp thôi việc của NLĐ được tính theo công thức sau:
Mức trợ cấp thôi việc = Thời gian tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương tính trợ cấp
Trong đó:
– Thời gian tính trợ cấp thôi việc của NLĐ được tính bẳng tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã được NSDLĐ đóng bảo hiểm thất nghiệp (nếu có) và thời gian mà NLĐ đã được NLĐ chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm (nếu có).
– Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân theo HĐLĐ 06 tháng liền kề trước khi NLĐ thôi việc.
III. Các trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc theo BLLĐ 2019
Quy định về trợ cấp thôi việc được quy định tại Điều 46 BLLĐ 2019. Từ các điều kiện NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc thì ta có thể suy ra những trường hợp NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc như sau:
Thứ nhất, tổng thời gian làm việc thực tế của NLĐ ít hơn 12 tháng. Một trong những điều kiện đầu tiên để NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc là phải đảm bảo thời gian làm việc đủ lâu dài cho NSDLĐ nên nếu thời gian làm việc thực tế của NLĐ ít hơn khoảng thời gian mà pháp luật quy định thì NLĐ sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Thứ hai, do khoản 1 Điều 46 BLLĐ 2019 quy định về các trường hợp NSDLĐ phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 BLLĐ 2019 nên khi HĐLĐ chấm dứt theo các quy định tại các khoản 5, 8, 11, 12, 13 thì NSDLĐ không phải trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ. Cụ thể bao gồm các trường hợp sau:
+ Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải: việc chấm dứt HĐLĐ xảy ra do NLĐ có hành vi vi phạm nghiêm trọng dẫn đến bị NSD kỉ luật.
+ Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này, tức là NSDLĐ cho NLĐ nghỉ việc trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc NSDLĐ cho NLĐ nghỉ việc khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Hai trường hợp này NLĐ đã được nhân trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 BLLĐ 2019.
+ Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của BLLĐ 2019. Các trường hợp giấy phép lao động hết hiệu lực:
- Giấy phép lao động hết thời hạn.
- Chấm dứt hợp đồng lao động.
- Nội dung của hợp đồng lao động không đúng với nội dung của giấy phép lao động đã được cấp.
- Làm việc không đúng với nội dung trong giấy phép lao động đã được cấp.
- Hợp đồng trong các lĩnh vực là cơ sở phát sinh giấy phép lao động hết thời hạn hoặc chấm dứt.
- Có văn bản thông báo của phía nước ngoài thôi cử lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
- Doanh nghiệp, tổ chức, đối tác phía Việt Nam hoặc tổ chức nước ngoài tại Việt Nam sử dụng lao động là người nước ngoài chấm dứt hoạt động.
- Giấy phép lao động bị thu hồi.
+ Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc. Trường hợp này trên thực tế NLĐ chưa làm việc chính thức; trong khi đó “trợ cấp” được coi là 1 khoản hỗ trợ tìm kiếm việc làm mới sau khi chấm dứt công việc cũ tại DN, “món quà tri ân” cho NLĐ khi đã cống hiến cho DN trong 1 khoảng thời gian nên trường hợp này pháp luật quy định không được hưởng trợ cấp thôi việc là hợp lý. Còn trường hợp NLĐ hủy bỏ thỏa thuận thử việc là do ý chí của NLĐ, NSDLĐ không cần có trách nhiệm phải bù đắp cho NLĐ.
Thứ ba, NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật Bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này thì NLĐ được hưởng lương hưu nên theo tư duy của nhà làm luật thì NSDLĐ không cần trả thêm cho NLĐ một khoản tiền để coi như “bù đắp” cho NLĐ nữa. Tuy nhiên, đối với trường hợp này thì cũng còn một số ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng việc chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp NLĐ nghỉ hưu vẫn phải thanh toán trợ cấp thôi việc cho NLĐ vì cho rằng xác định trợ cấp thôi việc là khoản “trả công muộn” cho thời gian cống hiến của NLĐ thông qua thâm niên làm việc thì không thể cắt bỏ, phủ nhận công lao đó. Đặc biệt, NLĐ đã có thời gian làm việc lâu dài về hưu càng cần được đối xử tốt hơn, bên cạnh trợ cấp hưu trí NSDLĐ cũng cần có chính sách đãi ngộ, động viên bổ sung.
Thứ tư, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 BLLĐ 2019 khi NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên thì cũng sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Đây là trường hợp chấm dứt HĐLĐ do lỗi của NLĐ, thuộc về ý chí của NLĐ; hơn thế nữa thì NLĐ đã có ý thức không tốt trong quá trình thực hiện công việc, trách nhiệm của mình khi đã nghỉ việc trong thời gian dài ngày mà không được sự cho phép của NLĐ và không có lý do chính đáng như do phải chăm sóc người thân ốm nặng, do thiên tai,…. Trường hợp này thì theo Điều 125 BLLĐ 2019 thì NLĐ còn có thể bị xử lý kỉ luật lao động.
Thứ năm, theo quy định tại khoản 1 Điều 40 BLLĐ 2019 khi NLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của NLĐ là trường hợp NLĐ chấm dứt HĐLĐ không tuân thủ quy định tại các Điều 35, 36 và 37 của BLLĐ 2019, thường là không tuân thủ lý do hoặc thủ tục chấm dứt khi nghỉ việc.
Thứ sáu, trong trường hợp NLĐ có thời gian làm việc thực tế bằng với thời gian đóng BHXH thì cũng không được hưởng trợ cấp thôi việc. Theo công thức tính trợ cấp thôi việc, nếu tính khoảng thời gian thực tế NLĐ làm việc thì khoảng thời gian sẽ bằng không nên mức trợ cấp tính được sẽ bằng không.

Bài viết liên quan:
Quy định pháp luật thời giờ làm việc của người lao động
Người lao động được trả lương trong thời gian nghỉ việc
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Những trường hợp nào NLĐ không được hưởng trợ cấp thôi việc. Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 0919 089 888 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật Thành Đô.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn