- Chuyên mục: Tư vấn luật thuế - kế toán
- Ngày đăng: 16/08/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Các văn bản quy phạm pháp luật thường quy định các loại thuế khai theo quý hoặc theo năm. Tuy nhiên có một số trường hợp phải khai thuế GTGT theo từng lần phát sinh. Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh được hiểu là phương pháp khai thuế, tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu thực tế từng lần phát sinh.
Để hiểu rõ hơn về các trường hợp cũng như thủ tục khai và nộp thuế theo từng lần phát sinh, Luật Thành Đô xin tư vấn chi tiết thông qua bài viết “Khai và nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh” như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14
– Nghị định số 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế
– Thông tư số 40/2021/TT-BTC Hướng dẫn thuế GTGT và thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
II. ĐỐI TƯỢNG KHAI VÀ NỘP THUẾ THEO TỪNG LẦN PHÁT SINH
* Đối tượng áp dụng
Theo Điều 6 Thông tư số 40/2021/TT-BTC, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Trong đó:
+ Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế.
+ Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi hoặc địa điểm tương tự khác.
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm:
(1) Cá nhân kinh doanh lưu động;
(2) Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
(3) Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
(4) Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
* Chế độ kế toán: cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
* Thời điểm khai thuế: cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.

III. CÁCH TÍNH THUẾ CỦA CÁ NHÂN KINH DOANH KHAI THUẾ THEO TỪNG LẦN PHÁT SINH
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế theo từng phần phát sinh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
Công thức tính thuế như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Cụ thể:
(1) Doanh thu tính thuế
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN);Doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
(2) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu
– Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC.
– Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
IV. KHAI THUẾ VÀ NỘP THUẾ ĐỐI VỚI CÁ NHÂN KINH DOANH KHAI THUẾ THEO TỪNG LẦN PHÁT SINH
4.1. Hồ sơ khai thuế
Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh quy định tại điểm 8.3 Phụ lục I – Danh mục hồ sơ khai thuế ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, cụ thể như sau:
– Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC;
– Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:
+) Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
+) Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
+) Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;…
Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
4.2. Trình tự, thủ tục khai thuế
Bước 1. Nộp hồ sơ
– Trường hợp kinh doanh lưu động thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh.
– Trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
– Trường hợp cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn” thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú. Trường hợp cá nhân chuyển nhượng là cá nhân không cư trú thì nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức quản lý tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”.
– Trường hợp cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động xây dựng.
Bước 2. Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
– Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
– Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
4.3. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.
– Thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.

Bài viết liên quan:
Các trường hợp được giảm trừ gia cảnh theo quy định hiện hành
Thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân
Thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề khai và nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 1958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn