Điều chuyển lao động tạm thời là chủ đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Khi hợp đồng lao động có hiệu lực pháp luật, các bên phải thực hiện đúng các điều khoản đã thoả thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như quyền quản lí, điều hành lao động, trong một số trường hợp vì lí do chính đáng, người sử dụng lao động sẽ có quyền điều chuyển người lao động sang làm công việc khác so với thỏa thuận.

Để việc điều chuyển người lao động đúng pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động thì các bên cần nắm rõ những quy định về vấn đề này. Sau đây, Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể thông qua bài viết Quy định pháp luật về điều chuyển lao động tạm thời dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14

– Nghị định 28/2020/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Quy định pháp luật về điều chuyển lao động tạm thời
Quy định pháp luật về điều chuyển lao động tạm thời

II. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐIỀU CHUYỂN LAO ĐỘNG TẠM THỜI

2.1. Điều chuyển lao động tạm thời là gì?

Một trong những nội dung bắt buộc trong hợp đồng lao động theo khoản 1 điều 21 Bộ luật Lao động là địa điểm làm việc. Theo đó, địa điểm lao động phải được các bên thỏa thuận cụ thể và người sử dụng lao động có nghĩa vụ bố trí đúng công việc theo hợp đồng. Nếu người lao động không sắp xếp đúng công việc đó thì người lao động có quyền khiếu nại hoặc đơn phương chấm dứt hợp động lao động (Theo điểm a khoản 2 điều 35 Bộ luật lao động).

Tuy nhiên trong một số trường hợp pháp luật cho phép người sử dụng lao động được điều chuyển lao động sang làm công việc khác. Điều chuyển lao động tạm thời được hiểu là việc đưa người lao động đang làm công việc này sang làm công việc khác trái với công việc đã thoả thuận trong hợp đồng lao động trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn hoặc để đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian nhất định phù hợp với quy định của pháp luật.

Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ và đảm bảo việc làm cho người lao động, pháp luật lao động đã quy định rất chặt chẽ về các trường hợp người sử dụng lao động được điều chuyển công việc người lao động và những quyền lợi của người lao động được hưởng khi bị điều chuyển.

Bài viết liên quan:

Quy định làm thêm giờ đối với người lao động

Điều kiện người lao động hưởng trợ cấp thôi việc

2.2. Điều kiện điều chuyển lao động tạm thời

Theo khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được phép điều chuyển người lao động tạm thời sang làm công việc khác so với hợp đồng trong những trường hợp sau:

Trường hợp 1: Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm

Trường hợp 2: Áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trường hợp 3: Sự cố điện, nước

Lưu ý: Trong các trường hợp trên thì người sử dụng lao động cần phải chứng minh những sự cố và hoàn cảnh đó có ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến công việc và hoạt động của công ty.

Trường hợp 4: Do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Lưu ý: Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ các điều kiện điều chuyển lao động như sau:

Một là, về thời gian điều chuyển: thời gian chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động không quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm. Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Nếu như người lao động không đồng ý phải ngừng việc và người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho người lao động.

Hai là, về nghĩa vụ thông báo: người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

2.3. Chế độ tiền lương của người lao động trong thời gian điều chuyển

Theo khoản 3 điều 29 Bộ luật Lao động 2019, người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới.

– Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc.

– Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Trường hợp người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định.

2.4. Xử phạt vi phạm khi điều chuyển lao động trái pháp luật

Căn cứ khoản 2 điều 10 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP, người lao động vi phạm quy định về điều chuyển lao động bị phạt như sau:

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không báo cho người lao động trước 03 ngày làm việc hoặc không thông báo rõ thời hạn làm tạm thời hoặc bố trí công việc không phù hợp với sức khỏe, giới tính của người lao động.

– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động không đúng lý do, thời hạn hoặc không có văn bản đồng ý của người lao động theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Mức phạt nêu trên được áp dụng với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 28/2020/NĐ-CP)

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về quy định pháp luật về điều chuyển lao động tạm thời. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)