- Chuyên mục: Tư vấn luật hành chính
- Ngày đăng: 04/01/2023
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc giao dịch bằng văn bản, hợp đồng hay thực hiện các văn bản thủ tục hành chính diễn ra rất thường xuyên. Khi xác lập, để văn bản có giá trị thì việc chứng thực chữ ký rất quan trọng. Vậy việc chứng thực chữ ký và thủ tục chứng thực chữ ký được pháp luật quy định như thế nào? Luật Thành Đô xin giải đáp các vấn đề trên bằng bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 2 năm 2015 về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

II. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA CHỮ KÝ ĐƯỢC CHỨNG THỰC
Giá trị pháp lý của chữ ký được chứng thực
Điều 3, Khoản 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về giá trị pháp lý của chữ ký được chứng thực như sau:
Chữ ký được chứng thực theo quy định tại Nghị định này có giá trị chứng minh người yêu cầu chứng thực đã ký chữ ký đó, là căn cứ để xác định trách nhiệm của người ký về nội dung của giấy tờ, văn bản.
III. QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC CHỨNG THỰC CHỮ KÝ
Điều 24, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định về các thủ tục chứng thực chữ ký như sau:
Điều 24. Thủ tục chứng thực chữ ký
1. Người yêu cầu chứng thực chữ ký của mình phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
b) Giấy tờ, văn bản mà mình sẽ ký.
2. Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ yêu cầu chứng thực, nếu thấy đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình và việc chứng thực không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 25 của Nghị định này thì yêu cầu người yêu cầu chứng thực ký trước mặt và thực hiện chứng thực như sau:
a) Ghi đầy đủ lời chứng chứng thực chữ ký theo mẫu quy định;
b) Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện chứng thực và ghi vào sổ chứng thực.
Đối với giấy tờ, văn bản có từ (02) hai trang trở lên thì ghi lời chứng vào trang cuối, nếu giấy tờ, văn bản có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai.
3. Đối với trường hợp chứng thực chữ ký tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra các giấy tờ, nếu nhận thấy người yêu cầu chứng thực có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này thì đề nghị người yêu cầu chứng thực ký vào giấy tờ cần chứng thực và chuyển cho người có thẩm quyền ký chứng thực.
4. Thủ tục chứng thực chữ ký quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này cũng được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:
a) Chứng thực chữ ký của nhiều người trong cùng một giấy tờ, văn bản;
b) Chứng thực chữ ký của người khai lý lịch cá nhân;
c) Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập theo quy định của pháp luật;
d) Chứng thực chữ ký trong Giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản.
Các trường hợp không được chứng thực quy định tại Điều 25, Nghị định 23/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:
Điều 25. Trường hợp không được chứng thực chữ ký
1. Tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực chữ ký không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người yêu cầu chứng thực chữ ký xuất trình Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu không còn giá trị sử dụng hoặc giả mạo.
3. Giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung quy định tại Khoản 4 Điều 22 của Nghị định này.
4. Giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 của Nghị định này hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy, khi muốn yêu cầu chứng thực bất kì loại giấy tờ, văn bản nào người yêu cầu chứng thực cần phải đáp ứng được các yêu cầu nêu cụ thể ở trên theo quy định của pháp luật để thủ tục chứng thực chữ ký được thực hiện đúng quy trình, trình tự và diễn ra dễ dàng và nhanh chóng.
III. THỜI GIAN GIẢI QUYẾT YÊU CẦU CHỨNG THỰC CHỮ KÝ
Điều 7, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, quy định thời hạn chứng thực chữ ký như sau:
Điều 7. Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực
Thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được bảo đảm ngay trong ngày cơ quan, tổ chức tiếp nhận yêu cầu hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ; trừ trường hợp quy định tại các Điều 21, 33 và Điều 37 của Nghị định này.
Theo đó, thời hạn thực hiện yêu cầu chứng thực phải được đảm bảo ngay trong ngày, trong trường hợp việc chứng thực được tiếp nhận sau 15 giờ mà cơ quan thực hiện việc chứng thực không thể giải quyết và trả kết quả chứng thực cho người yêu cầu chứng thực ngay trong ngày hoặc phải kéo dài thời hạn giải quyết thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ cần phải có phiếu hẹn ghi rõ thời gian cụ thể để trả kết quả cho người yêu cầu chứng thực.
Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về chứng thực chữ ký và thủ tục chứng thực chữ ký theo quy định của pháp luật hiện nay. Nếu quý độc giả còn có băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ luật sư tư vấn: 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết.
Trân trọng./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn