- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 19/02/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Nhượng quyền thương hiệu giúp chủ thương hiệu mở rộng quy mô kinh doanh và hệ thống phân phối một cách nhanh nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí phát triển thị trường. Nhượng quyền thương hiệu cũng giúp bên nhận quyền giảm thiểu các rủi ro khi phải xây dựng một thương hiệu mới từ đầu. Có thể nói, cả hai bên nhượng quyền và nhận quyền thương hiệu đều có lợi.
Tuy nhiên thủ tục nhượng quyền thương hiệu như thế nào thì không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.
Câu hỏi của khách hàng:
Xin chào Luật sư, tôi hiện đang kinh doanh cửa hàng phở khá nổi tiếng. Tôi muốn nhượng quyền thương hiệu để mở rộng kinh doanh, kiếm thêm doanh thu cho cửa hàng. Tuy nhiên tôi chưa biết điều kiện, thủ tục nhượng quyền theo quy định của pháp luật như thế nào. Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư trả lời:
Chào bạn, với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU
– Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019)
– Luật thương mại 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, 2019)
– Nghị định 35/2006/NĐ-CP quy định chi tiết luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại
– Nghị định 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số nghị định của chính phủ quy định chi tiết luật thương mại
– Nghị định 08/2018/NĐ-CP sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương
– Thông tư 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Bộ Thương mại Hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.
– Thông tư 04/2016/TT-BCT ngày 06 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử, hóa chất, sản xuất kinh doanh rượu, nhượng quyền thương mại, hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, năng lượng, an toàn thực phẩm và điện lực.

II. NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU LÀ GÌ?
Điều 284 Luật thương mại 2005 quy định:
“Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”
Việc bạn nhượng quyền thương hiệu của mình chính là hành vi nhượng quyền thương mại, trong đó, bạn cho phép bên nhận quyền tiến hành việc cung ứng dịch vụ ăn uống sử dụng nhãn hiệu, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cảo của mình.
III. ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 08/2018, điều kiện để được cấp quyền thương mại là:
“Thương nhân được phép cấp quyền thương mại khi hệ thống kinh doanh dự định dùng để nhượng quyền đã được hoạt động ít nhất 01 năm”.
Như vậy, để có thể nhượng quyền thương hiệu, cửa hàng phở của bạn cần phải hoạt động ít nhất 1 năm.
III. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU
Theo quy định tại Điều 17a Nghị định 35/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 120/11/NĐ-CP), các trường hợp sau không phải đăng ký nhượng quyền:
– Nhượng quyền trong nước
– Nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.
Các trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền phải thực hiện chế độ báo cáo Sở Công Thương.
Như vậy, với trường hợp của bạn, bạn nhượng quyền thương hiệu trong nước hoặc nhượng quyền ra nước ngoài thì đều không cần đăng ký nhượng quyền. Chỉ những trường hợp thực hiện nhượng quyền thương mại từ nước ngoài vào Việt Nam (gồm nhượng quyền ban đầu và nhượng quyền thứ cấp) mới cần đăng ký nhượng quyền với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên bạn vẫn phải thực hiện chế độ báo cáo với Sở Công Thương nơi bạn đăng ký kinh doanh.
Trong trường hợp nhãn hiệu của bạn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, nếu bạn muốn chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu, theo quy định tại Khoản 1 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ chỉ hiệu lực khi được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ.
Theo như thông tin bạn cung cấp, bạn có ý định mở rộng kinh doanh chứ không có ý muốn bán đứt nhãn hiệu của mình, do đó, nếu bạn chỉ chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, thì theo quy định tại Khoản 3 Điều 148 Luật sở hữu trí tuệ, hợp đồng chuyển quyền sử dụng không cần phải đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ để có giá trị với bên thứ ba.

Bài viết cùng chủ đề:
Cách đặt tên doanh nghiệp đúng quy định pháp luật
Hướng dẫn Phân biệt giải thể và phá sản
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn