Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình giúp Nhà nước quản lý, giám sát việc xây dựng theo quy hoạch, tuân thủ các quy định liên quan về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa… và xử lý các vi phạm kịp thời.

Tuy nhiên nhiều người còn thắc mắc có phải mọi trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà đều phải xin giấy phép xây dựng không, và thủ tục tiến hành như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn về hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở như sau:

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, căn nhà của tôi (tại quận Đống Đa, Hà Nội) lợp mái ngói hiện nay đã bị xuống cấp, gây thấm, dột, do đó tôi có nhu cầu thay đổi mái ngói bằng mái bê tông cốt thép với diện tích khoảng 35m2. Đồng thời, tôi muốn xây lại cầu thang cho kiên cố, an toàn. Vậy tôi có cần xin giấy phép không, nếu có thì cần chuẩn bị hồ sơ gì?

Luật sư trả lời:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, sửa đổi bởi Luật số 62/2020/QH14

– Nghị định số 15/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng

II. TRƯỜNG HỢP PHẢI XIN GIẤY PHÉP SỬA CHỮA, CẢI TẠO NHÀ Ở

Giấy phép sửa chữa nhà là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân để sửa chữa, cải tạo công trình.

Căn cứ khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về cấp giấy phép xây dựng, khi sửa chữa, cải tạo công trình (bao gồm nhà ở riêng lẻ) phải có giấy phép sửa chữa, cải tạo, trừ trường hợp sau:

Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.

Như vậy có thể thấy, nếu việc sửa chữa, cải tạo nhà ở mà không làm thay đổi kết cấu chịu lực căn nhà ví dụ như việc xây ngăn phòng; thay hệ thống ống nước; thay mới, sửa chữa hệ thống điện, chiếu sáng; đóng thạch cao trần; thay tôn mới, ngói mới; sửa chữa, trang trí nội thất, ngoại thất… thì không cần xin giấy phép sửa chữa cải tạo nhà ở.

Do đó, trong trường hợp của bạn, việc thay mái ngói bằng mái bê tông cốt thép và xây mới cầu thang đã làm thay đổi kết cấu chịu lực của căn nhà nên phải xin giấy phép sửa chữa nhà ở.

Xin phép sửa chữa, cải tạo nhà ở
Xin phép sửa chữa, cải tạo nhà ở

III. HỒ SƠ, THỦ TỤC XIN GIẤY PHÉP SỬA CHỮA, CẢI TẠO NHÀ Ở

3.1. Chuẩn bị hồ sơ

Căn cứ Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ gồm:

– Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình, nhà ở riêng lẻ theo Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này

– Một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ theo quy định của pháp luật (ví dụ Sổ đỏ, Sổ hồng).

– Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định có tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ các bản vẽ của hồ sơ đề nghị cấp phép sửa chữa, cải tạo và ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.

– Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo nhà ở riêng lẻ:

Bộ bản vẽ thiết kế xây dựng kèm theo Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy kèm theo bản vẽ thẩm duyệt trong trường hợp pháp luật về phòng cháy và chữa cháy có yêu cầu; báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng trong trường hợp pháp luật về xây dựng có yêu cầu, gồm:

+ Bản vẽ mặt bằng công trình trên lô đất kèm theo sơ đồ vị trí công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng các tầng, các mặt đứng và mặt cắt chính của công trình;

+ Bản vẽ mặt bằng móng và mặt cắt móng kèm theo sơ đồ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình gồm cấp nước, thoát nước, cấp điện;

+ Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

3.2. Trình tự, thủ tục thực hiện

* Các bước thực hiện

Bước 1: Nộp hồ sơ

– Nơi nộp: Chủ hộ nộp 02 bộ hồ sơ đến UBND cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) nơi có nhà ở riêng lẻ dự kiến được sửa chữa, cải tạo.

– Cách thức nộp: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện đến UBND cấp huyện.

Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân; kiểm tra hồ sơ; ghi giấy biên nhận đối với trường hợp hồ sơ đáp ứng theo quy định hoặc hướng dẫn để chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ đối với trường hợp hồ sơ không đáp ứng theo quy định.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ và trả kết quả

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải tổ chức thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực địa. Khi thẩm định hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải xác định tài liệu còn thiếu, tài liệu không đúng theo quy định hoặc không đúng với thực tế để thông báo một lần bằng văn bản cho chủ đầu tư bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Trường hợp hồ sơ bổ sung chưa đáp ứng được yêu cầu theo văn bản thông báo thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hướng dẫn cho chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Chủ đầu tư có trách nhiệm bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo văn bản thông báo.

Trường hợp việc bổ sung hồ sơ vẫn không đáp ứng được các nội dung theo thông báo thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo đến chủ đầu tư về lý do không cấp giấy phép;

* Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Nếu cơ quan tiếp nhận hồ sơ cần thời gian xác minh, kiểm tra, xem xét thêm thì được phép gia hạn thêm không quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn nhưng phải có thông báo cụ thể bằng văn bản cho chủ đầu tư xây dựng và được cơ quan quản lý trực tiếp chấp thuận.

* Lệ phí: Do HĐND cấp tỉnh của từng địa phương quy định.

Ví dụ: Tại Hà Nội, lệ phí xin giấy phép sửa chữa cấp mới đối với nhà ở là 75.000đ/ giấy phép, với công trình khác là 150.000đ/giấy phép (Căn cứ Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND Về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn TP Hà Nội)

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về hồ sơ, thủ tục xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

Đánh giá bài viết này