- Chuyên mục: TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
- Ngày đăng: 12/07/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, Việt Nam dần đi sâu vào nghiên cứu và phát triển mảng chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Bởi vậy, hiện nay việc đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu được rất nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, công ty Luật Thành Đô trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009;
– Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
II. KHÁI NIỆM CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH, SƯU TẬP DỮ LIỆU
Để tiến hành đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu. Đầu tiên tổ chức, cá nhân phải hiểu rõ thế nào là chương trình máy tính? Thế nào là sưu tập dữ liệu.
Căn cứ vào quy định của Luật Sở hữu trí tuệ chương trình máy tính được hiểu là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác. Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó.

III. CÁC QUYỀN ĐỐI VỚI CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH, SƯU TẬP DỮ LIỆU
Khi thực hiện đăng kí bản quyền đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu, chủ sở hữu của chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu phải xác định được các quyền của mình đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Qua đó, lựa chọn được hình đăng đăng kí bảo hộ phù hợp. Tại điểm m khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ quy định chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu là loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Như vậy, chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả thì cũng sẽ có các quyền giống như loại hình tác phẩm khác.
3.1. Quyền tài sản đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
– Làm tác phẩm phái sinh;
– Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
– Sao chép tác phẩm;
– Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
– Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
– Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính.
– Tác giả chương trình máy tính được hưởng tiền nhuận bút và quyền lợi vật chất khác theo thỏa thuận với chủ sở hữu quyền tác giả.
– Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm không quá một bản sao dự phòng, để thay thế khi bản sao đó bị mất, bị hư hỏng hoặc không thể sử dụng được.
3.2. Quyền nhân thân đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
– Đặt tên cho tác phẩm;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐĂNG KÍ BẢN QUYỀN CHƯƠNG TRÌNH MÁY TÍNH, SƯU TẬP DỮ LIỆU
4.1. Các tài liệu cần chuẩn bị
Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu nằm trong phạm vi bảo hộ quyền tác giả. Căn cứ Điều 50 Luật sở hữu trí tuệ, các tài liệu cần chuẩn bị đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu gồm:
– Tờ khai đăng ký bản quyền tác phẩm phần mềm máy tính, sưu tập dữ liệu. Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt và do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc người được ủy quyền nộp đơn ký tên và ghi đầy đủ thông tin về người nộp đơn, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; tóm tắt nội dung tác phẩm thời gian, địa điểm, hình thức công bố; cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong đơn;
– Hai đĩa CD chứa nội dung tác phẩm và 02 bản in phần mềm tác phẩm đăng ký;
– Tài liệu chứng minh quyền nộp đơn, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
– Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
– Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu tác phẩm thuộc sở hữu chung;
– Giấy uỷ quyền, nếu người nộp đơn là người được uỷ quyền.
4.2. Trình tự thực hiện
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Chủ sở hữu chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật được đề cập tạo Mục 4.1 bài viết.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chủ sở hữu chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu hoặc người được uỷ quyền nộp hồ sơ trực tiếp tại Cục bản quyền tác giả.
Bước 2. Theo dõi hồ sơ sau khi đăng kí nộp
Sau khi nộp hồ sơ đăng ký bản quyền, Cục Bản quyền tác giả sẽ cử chuyên viên thẩm định tính hợp lệ của đơn.
Người nộp đơn cần chú ý đến thông báo của Cục để bổ sung, điều chỉnh phù hợp nếu hồ sơ có sai sót hoặc thiếu giấy tờ gì để đơn được chấp nhận hợp lệ.
Bước 3. Nhận giấy chứng nhận đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
Khi có xác nhận hồ sơ hợp lệ và quyết định cấp Văn bằng bảo hộ, người nộp đơn tiến hành nộp các khoản lệ phí quy định và nhận Giấy chứng nhận tại Cục Bản quyền tác giả.
*Lưu ý:
+ Tác phẩm phần mềm có thể đăng ký dưới dạng đồng tác giả;
+ Tác giả phần mềm nếu là cán bộ, công nhân viên lao động hưởng lương thì có thể đăng ký cho công ty ký hợp đồng lao động là chủ sở hữu tác phẩm đó.
+ Nếu tác giả là người đại diện theo pháp luật của công ty thì việc ký xác nhận phải do các thành viên khác trong ban lãnh đạo công ty ký xác nhận;
+ Đĩa CD phải có bìa bọc mầu trắng để đóng dấu.
4.3. Thời hạn đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Cục Bản quyền tác giả sẽ tiến hành thẩm định đơn:
+ Nếu đơn đáp ứng được các điều kiện bảo hộ, Cục Bản quyền tác giả sẽ ra thông báo quyết định cấp Giấy chứng nhận và yêu cầu người nộp đơn nộp các khoản phí đăng ký theo quy định.
+ Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cục sẽ thông báo từ chối và nêu rõ lý do bằng văn bản cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung hoặc có phản hồi về quyết định này.

Bài viết liên quan:
Thủ tục gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Hướng dẫn thủ tục gia hạn nhãn hiệu
Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến “Đăng kí bản quyền chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn