- Chuyên mục: TƯ VẤN SỞ HỮU TRÍ TUỆ
- Ngày đăng: 07/07/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm kể từ ngày cấp. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu muốn nhãn hiệu của mình được bảo hộ thì phải tiếp tục làm thủ tục gia hạn hiệu lực nhãn hiệu. Tuy nhiên hiện nay, khi tiến hành thủ tục gia hạn nhãn hiệu đối với nhiều người vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, trong bài viết này này công ty Luật Thành Đô xin giới thiệu chủ đề: “Thủ tục gia hạn nhãn hiệu”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật số 36/2009/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
– Thông tư 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 01/2017/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành nghị định số 103/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo thông tư số 13/2010/TT-BKHCN, thông tư số 18/2011/TT-BKHCN và thông tư số 06/2013/TT-BKHCN.
– Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.
II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ GIA HẠN HIỆU LỰC BẢO HỘ NHÃN HIỆU
– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực 10 năm và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần 10 năm. Việc chủ văn bằng bảo hộ không làm thủ tục gia hạn hiệu lực hoặc nộp đơn xin gia hạn nhưng không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định của pháp luật sẽ làm chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
– Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng trước ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp đơn yêu cầu gia hạn cho Cục Sở hữu trí tuệ.
– Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp lệ phí gia hạn cộng với 10% lệ phí gia hạn cho mỗi tháng nộp muộn.
III. THỦ TỤC GIA HẠN NHÃN HIỆU
3.1. Các tài liệu cần chuẩn bị
Căn cứ điểm c khoản 19 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN, đơn đăng ký gia hạn nhãn hiệu bao gồm các tài liệu:
– Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ theo Mẫu 02-GH/DTVB quy tại Phụ lục C Thông tư 16/2016/TT-BKHCN;
– Bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp muốn ghi nhận trực tiếp thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận mới trên văn bằng bảo hộ).
Có thể không cần cung cấp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khi tiến hành thủ tục gia hạn hiệu hiệu, trường hợp không nộp kèm bản gốc, hiệu lực mới sẽ được ghi nhận trên đăng bạ quốc gia;
– Chứng từ nộp lệ phí gia hạn;
– Giấy uỷ quyền (trường hợp nộp đơn thông qua đại diện).
* Đối với tổ chức, cá nhân cần gia hạn hiệu lực bảo hộ nhãn hiệu đối với nhiều nhãn hiệu khác nhau trong cùng thời điểm, một tờ khai gia hạn, tổ chức, cá nhân có thể đăng ký gia hạn cho nhiều Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khác nhau.
3.2. Quy trình thực hiện thủ tục
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Chủ thể muốn đăng kí gia hạn hiệu lực nhãn hiệu tiến hành chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật như đã đề cập tại Mục 3.1 bài viết.
Bước 2. Nộp hồ sơ gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Sau khi chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ xin gia hạn bao gồm những giấy tờ, tài liệu nêu trên, tổ chức, cá nhân có nhu cầu nộp hồ sơ trực tiếp đến Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3. Thẩm định đơn và nhận giấy chứng nhận gia hạn nhãn hiệu
Cục Sở hữu trí tuệ xem xét đơn yêu cầu gia hạn trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận đơn. Trường hợp đơn không có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định gia hạn, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ, đăng bạ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối, nếu đơn yêu cầu gia hạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đơn yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định;
– Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ văn bằng bảo hộ tương ứng.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định, người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối gia hạn.
3.3. Thời gian thực hiện thủ tục
Từ 02 – 04 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế thời hạn phụ thuộc vào số lượng đơn nộp vào Cục sở hữu trí tuệ.
3.4. Lệ phí gia hạn hiệu lực nhãn hiệu
Căn cứ vào quy định tại thông tư số 263/2016/TT-BTC các khoản lệ phí chủ đơn phải nộp bao gồm:
+ Lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 100.000 đồng;
+ Lệ phí công bố thông tin: 120.000 đồng;
+ Phí thẩm định yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 160.000 đồng;
+ Lệ phí đăng bạ thông tin: 120.000 đồng;
+ Phí sử dụng văn bằng bảo hộ: 700.000 đồng.
+ Lệ phí gia hạn có thể tăng thêm nếu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bảo hộ nhãn hiệu trên nhiều nhóm sản phẩm/dịch vụ, hoặc đơn yêu cầu gia hạn cho nhiều Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu khác nhau.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn xin gia hạn muộn phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn trên mỗi tháng nộp muộn.
Bài viết liên quan:
Các vấn đề về nhuận bút thù lao trong quyền tác giả quyền liên quan
Bản photo có phải bản sao không (quy định của PL SHTT)
Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến “Thủ tục gia hạn nhãn hiệu”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn