- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 21/07/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Sau khi chính thức thành lập doanh nghiệp và bắt đầu quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian, một số Công ty sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn nhất thời cần có thời gian giải quyết.
Trong những trường hợp như vậy, Công ty sẽ thường lựa chọn hoặc bắt buộc tạm ngừng kinh doanh công ty để khắc phục và giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt. Bài viết dưới đây của Luật Thành Đô sẽ cung cấp nội dung quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh của Công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
Luật Doanh nghiệp 2020;
Luật quản lý thuế 2019;
Nghị định số 01/2021/NĐ-CP Về đăng ký doanh nghiệp;
Nghị định số 139/2016/NĐ-CP Quy định về lệ phí môn bài;
Nghị định số 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài;
Thông tư số 39/2014/TT-BTC Hướng dẫn thi hành về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
II. ĐIỀU KIỆN TẠM NGỪNG KINH DOANH CỦA CÔNG TY
Dựa trên quy định của Chính phủ tại Điều 41 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP thì “Tạm ngừng kinh doanh” là một trong các tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, tạm ngừng kinh doanh của Công ty được hiểu là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh sau khi thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc tạm ngừng kinh doanh công ty theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công ty cần đáp ứng các điều kiện sau để thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh:
– Công ty cần thông báo về việc tạm ngừng KD cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trước 03 ngày để nhận được giấy xác nhận về việc Công ty tạm ngừng kinh doanh;
– Trong thời điểm Công ty đăng ký tạm ngừng kinh doanh công ty thì mã số thuế của Công ty phải đang được hoạt động để bảo đảm nghĩa vụ kê khai thuế được minh bạch từ trước và sau khi đăng ký tạm ngừng kinh doanh.
Lưu ý: Các điều kiện trên không được áp dụng cho trường hợp tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

III. TRƯỜNG HỢP CÔNG TY TẠM NGỪNG KINH DOANH THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
3.1. Công ty tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Bên cạnh việc Công ty tự nguyện đăng ký tạm ngừng kinh doanh thì cũng có một số trường hợp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhận thấy Công ty không đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh nên buộc phải yêu cầu Công ty tạm ngừng KD để khắc phục các vấn đề còn tồn tại. Các trường hợp Công ty buộc phải tạm ngừng kinh doanh theo quy định bao gồm:
– Công ty sẽ tạm ngừng (hoặc chấm dứt) kinh doanh đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện đã đăng ký hoặc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thấy Công ty không đáp ứng đủ các điều kiện tương ứng theo quy định của pháp luật;
– Công ty tạm ngừng kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nếu có vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế, môi trường và các lĩnh vực khác có liên quan.
3.2. Trách nhiệm triển khai thực thi yêu cầu tạm ngừng kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền
– Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc Công ty kinh doanh không đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì sẽ ra thông báo yêu cầu Công ty đó tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hoặc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
– Trong trường hợp Công ty không tạm ngừng kinh doanh công ty theo thông báo thì Phòng Đăng ký kinh doanh có quyền và nhiệm vụ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp đồng thời đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp.
– Ngoài ra, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu tạm ngừng kinh doanh công ty của cơ quan có thẩm quyền đối với Công ty thì Phòng Đăng ký kinh doanh phải tiến hành cập nhật thông tin tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và công bố trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ TẠM NGỪNG KINH DOANH CỦA CÔNG TY
– Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì Công ty phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trong trường hợp sau khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh công ty theo quy định của pháp luật nhưng Công ty tiếp tục muốn tạm ngừng kinh doanh thì cần phải thông báo lại cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày Công ty tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.
– Hồ sơ Công ty cần gửi cho Cơ quan đăng ký kinh doanh để thực hiện việc tạm ngừng kinh doanh công ty bao gồm các thành phần như sau:
+ Thông báo tạm ngừng kinh doanh bằng văn bản;
+ Nghị quyết/ quyết định về việc tạm ngừng kinh doanh công ty;
+ Bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh, hoặc biên bản họp của Hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần;
+ Văn bản uỷ quyền cho chủ thể nộp hồ sơ (nếu có).
– Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo là không được quá 01 năm.
– Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
– Địa điểm nộp hồ sơ: Cơ quan đăng ký kinh doanh tại địa chỉ của trụ sở chính Công ty.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN ĐĂNG KÝ KINH DOANH
– Sau khi nhận được bộ hồ sơ từ Công ty có nhu cầu tạm ngừng kinh doanh thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ.
– Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì Phòng đăng ký kinh doanh sẽ thông báo đề nghị Công ty bổ sung các giấy tờ còn thiếu. Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy xác nhận về việc Công ty tạm ngừng kinh doanh trước thời hạn trong thời hạn 03 ngày làm việc, tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của Công ty.
– Ngoài ra, Phòng Đăng ký kinh doanh cũng cần cập nhật tình trạng pháp lý của Công ty và các chi nhánh (nếu có), văn phòng đại diện (nếu có), địa điểm kinh doanh của Công ty trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng tạm ngừng kinh doanh để bảo đảm tính công khai đối với các bên liên quan.
VI. NGHĨA VỤ CỦA CÔNG TY TRONG THỜI GIAN TẠM NGỪNG KINH DOANH
– Theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, Công ty cần phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ (nếu có). Ngoài ra, Công ty cần tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động. Chỉ trong trường hợp Công ty có thoả thuận khác với chủ nợ, khách hàng và người lao động thì Công ty mới không cần tiếp tục thanh toán các nghĩa vụ đang tồn tại.
– Nghĩa vụ nộp thuế của Công ty trong thời gian tạm ngừng kinh doanh cụ thể như sau:
+ Lệ phí môn bài: Theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, được sửa đổi bởi nghị định 22/2020/NĐ-CP thì đối với trường hợp Công ty tạm ngừng hoạt động cả năm dương lịch thì sẽ không phải nộp lệ phí môn bài của năm tạm ngừng kinh doanh. Tuy nhiên, đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh không đủ năm dương lịch thì sẽ không cần nộp lệ phí môn bài hay tờ khai thuế môn bài.
+ Hồ sơ khai thuế: trong thời gian tạm ngừng kinh doanh thì Công ty không cần nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, với trường hợp Công ty tạm ngừng kinh doanh không đủ một tháng/ một quý/ một năm dương lịch hoặc một năm tài chính thì Công ty vẫn nộp hồ sơ khai thuế theo tháng/ quý hoặc hồ sơ quyết toán cả năm của doanh nghiệp.
+ Báo cáo tài chính và hoá đơn giá trị gia tăng: Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, Công ty sẽ không được thực hiện các hoạt động kinh doanh, đồng nghĩa với việc sẽ không phát sinh các doanh thu tài chính nên sẽ không cần nộp báo cáo về hoá đơn giá trị gia tăng hay báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
Việc tạm ngừng kinh doanh của Công ty chỉ là một trạng thái pháp lý tạm thời của Công ty nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn trước mắt, đảm bảo cho quá trình hoạt động hiệu quả lâu dài cho doanh nghiệp.

Bài viết liên quan:
Thay đổi chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
Hồ sơ thay đổi vốn điều lệ, phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp
Vì vậy, nếu doanh nghiệp đang ở trong thời điểm khó khăn về hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn phương pháp này để có thời gian xử lý các vấn đề tồn tại.
Bài viết trên đây là toàn bộ nội dung quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020. Trong trường hợp cần tư vấn chi tiết, Quý khách hàng có thể liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn