Nhận chuyển quyền sử dụng đất là việc xác lập quyền sử dụng đất do được người khác chuyển quyền sử dụng đất thông qua các hình thức chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Để phân bố đồng đều và khống chế diện tích đất nông nghiệp được phép sử dụng của người sử dụng đất, pháp luật cũng quy định rất cụ thể về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người còn chưa nắm rõ quy định này dẫn đến việc chuyển nhượng vượt hạn mức. Để làm rõ vấn đề này, Luật Thành Đô xin tư vấn thông qua bài viết Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân” như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Đất đai số 45/2013/QH13;

– Nghị định số 43/2014/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;

– Nghị định số 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân

II. HẠN MỨC NHẬN CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP LÀ GÌ?

Có thể hiểu hạn mức đất là diện tích đất tối đa mà hộ gia đình và cá nhân được phép sử dụng trên cơ sở đất được Nhà nước giao,nhận chuyển nhượng hợp pháp từ người khác hoặc do khai hoang phục hóa.

Điều 15 Luật Đất đai năm 2013 quy định về hạn mức sử dụng đất bao gồm: hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Trong đó, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp được hiểu là giới hạn diện tích đất nông nghiệp tối đa mà hộ gia đình, cá nhân được nhận thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho QSDĐ, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp QSDĐ.

Bài viết liên quan:

Các giao dịch về nhà ở không cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Quy định pháp luật về thủ tục nộp tiền sử dụng đất

III. QUY ĐỊNH VỀ HẠN MỨC NHẬN CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển quyền sử dụng đất thì theo quy định của pháp luật, diện tích mỗi hộ gia đình hay cá nhân được nhận giới hạn không quá 10 lần hạn mức sử dụng đối với loại đất nông nghiệp tương ứng được nhận.

Điều 44 Nghị định 43/2014/NĐ-CP cụ thể các hạn mức đối với từng loại đất nông nghiệp như sau:

* Đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối

– Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;

– Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

* Đối với đất trồng cây lâu năm

– Không quá 100 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

– Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

* Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng:

– Không quá 150 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

– Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

* Trường hợp nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Trong trường hơp này, tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) bằng hạn mức nhận chuyển QSDĐ tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển QSDĐ cao nhất.

* Trường hợp nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp gồm nhiều loại đất

Trong trường hợp nhận chuyển quyền gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức được xác định theo từng loại đất theo quy định nêu trên.

Lưu ý:

– Đối với hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền theo các quy định nêu trên mà đã đăng ký chuyển QSDĐ trước ngày 01/7/2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền.

– Đối với hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền theo các quy định trên mà đã đăng ký chuyển QSDĐ từ ngày 01/7/2007 đến trước ngày 01/7/2014 HGĐ, cá nhân được tiếp tục sử dụng đất và chỉ phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền.

IV. NHẬN CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP VƯỢT HẠN MỨC BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Theo điều 29 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP, hành vi nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức theo quy định thì hình thức và mức xử phạt như sau:

Diện tích vượt hạn mức Mức xử phạt Biện pháp khắc phục hậu quả
Dưới 01 héc ta Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng – Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền vượt hạn mức.

– Trường hợp không thực hiện được việc trả lại đất đã nhận chuyển quyền thì Nhà nước thu hồi theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

Từ 01 héc ta đến 03 héc ta Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng
Từ 03 héc ta đến 05 héc ta Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng
Trên 05 héc ta Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng
5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)