- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 01/02/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Sở hữu chung hợp nhất là một hình thức sở hữu được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên khái niệm sở hữu chung hợp nhất là gì không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn có một cái nhìn tổng quan nhất về hình thức sở hữu chung hợp nhất trong quy định của Bộ luật Dân sự.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Dân sự 2015
– Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
II. SỞ HỮU CHUNG HỢP NHẤT LÀ GÌ?
Khoản 1 Điều 210 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa:
“Sở hữu chung hợp nhất là sở hữu chung mà trong đó phần quyền sở hữu của mỗi chủ sở hữu không được xác định đối với tài sản chung.”
Sở hữu chung hợp nhất là hình thức sở hữu của hai hay nhiều chủ thể đối với khối tài sản chung. Các chủ sở hữu chung hợp nhất có quyền ngang nhau trong việc khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung nếu không có thỏa thuận khác. Việc định đoạt tài sản chung hợp nhất được thực hiện theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của pháp luật.
Sở hữu chung hợp nhất gồm 2 loại là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia và sở hữu chung hợp nhất không phân chia.
2.1. Sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia
Sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia là sở hữu chung mà tài sản chung có thể phân chia cho từng chủ sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia là sở hữu chung của vợ chồng.
Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia.
2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
3. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.
5. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.”
Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất đối với tài sản là thu nhập hợp pháp của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, thừa kế chung và phần tài sản thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng được người đó tuyên bố nhập vào khối tài sản chung.
Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể được phân chia khi có yêu cầu của một trong hai bên; khi vợ chồng ly hôn; khi một trong hai bên chết; khi có người có quyền yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán.
Tài sản chung của vợ chồng được chia đều cho mỗi bên, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2.2. Sở hữu chung hợp nhất không phân chia
Sở hữu chung hợp nhất không phân chia là sở hữu của nhiều người đối với tài sản nhằm thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của tất cả mọi thành viên trong một cộng đồng dân cư nhất định, bao gồm:
– Sở hữu chung của cộng đồng dân cư: là sở hữu chung của các thành viên trong một cộng đồng dân cư đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thỏa mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng. (Điều 211 Bộ luật dân sự 2015)
– Sở hữu chung của dòng họ: là sở hữu chung của các thành viên trong một dòng hộ đối với tài sản được hình thành do thành viên dòng họ đóng góp, tạo dựng, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích dùng vào việc thờ cúng hoặc mục đích hợp pháp khác.
– Sở hữu chung của cộng đồng tôn giáo: là sở hữu chung của các thành viên trong một tổ chức tôn giáo nhất định đối với tài sản được hình thành do đóng góp, cung tiến của thành viên nhằm phục vụ cho vấn đề tâm linh theo từng dòng tôn giáo nhất định.
– Sở hữu chung trong nhà chung cư: là sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư đối với phần diện tích, trang thiết bị và các tài sản khác dùng chung trong nhà chung cư. (Điều 214 Bộ luật dân sự 2015).
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề sở hữu chung hợp nhất, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn