Căn cước công dân gắn chip là thiết bị nhận dạng thông minh cho phép tích hợp lượng lớn dữ liệu về bảo hiểm, bằng lái… Thẻ căn cước gắn chip có thể đóng vai trò thiết bị nhận diện, xác thực danh tính và chìa khóa truy cập thông tin công dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Người dùng chỉ cần dùng thẻ căn cước điện tử để có thể tiếp cận nhiều dịch vụ vốn đòi hỏi hàng loạt giấy tờ khác nhau.

So với CMND và CCCD mã vạch, CCCD gắn chip có những ưu điểm nổi trội. Bởi vậy, hiện nay rất nhiều người đang có nhu cầu đổi sang thẻ CCCD có gắn chip. Tuy nhiên vẫn có nhiều thắc mắc về việc có bắt buộc phải đổi sang thẻ gắn chip hay không và thủ tục cấp thẻ như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13

– Thông tư số 07/2016/TT-BCA Quy định chi tiết một số điều của Luật Căn cước công dân và nghị định 137/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Căn cước công dân; được sửa đổi bổ sung bởi Thông tứ sô 40/2019/TT-BCA.

– Thông tư số 06/2021/TT-BCA Quy định về mẫu thẻ căn cước công dân

– Thông tư số 59/2019/TT-BTC Quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân.

– Thông tư số 112/2020/TT-BTC Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid 19

Hướng dẫn thủ tục làm căn cước công dân gắn chip
Hướng dẫn thủ tục làm căn cước công dân gắn chip

II. CÓ BẮT BUỘC ĐỔI SANG CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP?

Điều 19 Luật Căn cước công dân quy định người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi. Điều 21 quy định về độ tuổi đổi thẻ CCCD là công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Khoản 2 điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định Thẻ Căn cước công dân đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân theo quy định tại Thông tư này.

Như vậy, nếu CMND/CCCD cũ còn hạn sử dụng thì không bắt buộc phải đổi sang mẫu CCCD có gắn chip. Theo đó, chỉ những trường hợp sau mới cần đi làm CCCD gắn chip:

– Người đủ 14 tuổi (cấp CCCD lần đầu)

– Người có CMND, CCD mã vạch bị hư hỏng, bị mất hoặc bị hết hạn sử dụng

– Những người có nhu cầu.

III. NƠI LÀM THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN CẤP, ĐỔI, CÂP LẠI THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Về nơi làm thủ tục, theo điều 26 Luật Căn cước công dân, công dân có thể lựa chọn một trong các nơi sau đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD:

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Tại cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;

– Cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Về thẩm quyền, Điều 27 Luật Căn cước công dân quy định Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

IV. THỦ TỤC LÀM CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP

4.1. Thủ tục cấp CCCD gắn chip mới lần đầu

Thủ tục này áp dụng với công dân từ đủ 14 tuổi chưa từng được cấp CMND và CCCD, được quy định tại Điều 12 Thông tư 07/2016/TT-BCA như sau:

Bước 1: Điền tờ khai CCCD

Người dân mang theo Sổ hộ khẩu, điền thông tin vào Tờ khai CCCD tại Đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an cấp huyện hoặc khai trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2: Nộp và tiếp nhận hồ sơ

Công dân xuất trình Sổ hộ khẩu (nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia thu thập đầy đủ thông tin và đi vào hoạt động thì không cần xuất trình Sổ hộ khẩu).

Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ CCCD kiểm tra, đối chiếu thông tin về công dân trong Tờ khai CCCD với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để xác định chính xác người cần cấp thẻ và thống nhất các nội dung thông tin về công dân;

Trường hợp công dân chưa có thông tin hoặc thông tin có sự thay đổi, chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì yêu cầu công dân xác định thông tin chính xác và xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong Tờ khai CCCD để kiểm tra và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu.

Trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD chưa đi vào vận hành thì yêu cầu công dân xuất trình Sổ hộ khẩu

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay

Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng của người đến làm thủ tục cấp thẻ CCCD để in trên Phiếu thu nhận thông tin CCCD và thẻ CCCD theo quy định.

– Ảnh chân dung của công dân là ảnh chụp chính diện, đầu để trần, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính; trang phục, tác phong nghiêm túc, lịch sự, không được sử dụng trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh thẻ CCCD;

Riêng đối với trường hợp công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được phép mặc lễ phục tôn giáo, dân tộc đó, nếu có khăn đội đầu thì được giữ nguyên khi chụp ảnh thẻ CCCD nhưng phải bảo đảm rõ mặt;

– Cán bộ cơ quan quản lý CCCD thu nhận vân tay của công dân qua máy thu nhận vân tay; trường hợp ngón tay bị cụt, khèo, dị tật, không lấy được vân tay thì ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.

Bước 4: Trả kết quả

Theo điều 25 Luật Căn cước công dân, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân trong thời hạn sau đây:

– Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc

– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc

– Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc

Công dân nhận giấy hẹn trả thẻ CCCD. Người dân đi nhận CCCD tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện.

4.2. Thủ tục đổi CMND sang CCCD gắn chip

Bước 1: Điền tờ khai CCCD

Bước 2: Xuất trình Sổ hộ khẩu để đối chiếu thông tin với Tờ khai và nộp lại CMND cũ.

– Đối với CMND 9 số:

+ Trường hợp CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến làm thủ tục.

Ngay sau khi nhận CMND đã cắt góc hoặc sau đó, nếu công dân có yêu cầu thì cơ quan tiến hành cắt góc Chứng minh nhân dân 9 số có trách nhiệm cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân;

+ Trường hợp CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân.

– Đối với CMND 12 số, cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ trả CMND đã cắt góc cho người đến làm thủ tục.

– Trường hợp công dân mất CMND 9 số mà làm thủ tục cấp thẻ CCCD thì khi công dân có yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số CMND 9 số đã mất cho công dân.

Bước 3: Chụp ảnh, thu thập vân tay

Bước 4: Trả kết quả

Công dân nhận giấy hẹn trả thẻ CCCD. Người dân đi nhận CCCD tại cơ quan Công an nơi tiếp nhận hồ sơ theo thời gian ghi trên giấy hẹn hoặc trả qua đường bưu điện.

Cán bộ trả lại CMND (chưa cắt góc) cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ Căn cước công dân nếu CMND còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ).

Cán bộ thu, hủy Chứng minh nhân dân đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nếu CMND đã được cấp trước đó bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ).

4.2. Thủ tục đổi CCCD mã vạch sang CCCD gắn chip

Tương tự với trường hợp đổi từ CMND sang CCCD gắn chip. Tuy nhiên theo khoản 3 điều 24 Luật Căn cước công dân thì thẻ CCCD đã sử dụng sẽ bị thu lại.

V. LỆ PHÍ LÀM CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP

Theo khoản 2 điều 32 Luật Căn cước công dân thì trường hợp cấp CCCD lần đầu cho người từ đủ 14 tuổi không phải nộp lệ phí.

Theo quy định tại điều 1 Thông tư số 112/2020/TT-BTC, từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 30/6/2021, Bộ Tài chính giảm lệ phí cấp Căn cước công dân (CCCD) bằng 50% mức thu lệ phí nêu tại Điều 4 Thông tư số 59/2019/TT-BTC. Cụ thể:

Loại lệ phí Mức thu từ 01/01/2021- 30/6/2021 Mức thu từ 01/7/2021
Chuyển từ CMND 9 số, CMND 12 số sang CCCD 15.000 đồng 30.000 đồng
Đổi thẻ CCCD khi:

– Bị hư hỏng không sử dụng được

– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng

– Xác định lại giới tính, quê quán

– Có sai sót về thông tin trên thẻ

– Khi công dân có yêu cầu

25.000 đồng 50.000 đồng
Cấp lại CCCD khi bị mất thẻ CCCD, được trở lại quốc tịch Việt Nam 35.000 đồng 70.000 đồng
5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Điều kiện và thủ tục đổi thẻ căn cước công dân gắn chip

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục làm căn cước công dân gắn chip. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

 

5/5 - (1 bình chọn)