Lĩnh vực vận tải là một trong những lĩnh vực rất quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Với nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày một tăng, các công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá được thành lập nhiều với quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực kinh doanh được pháp luật quy định chặt chẽ về điều kiện và thủ tục thành lập công ty, vì vậy nhiều tổ chức cá nhân vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này.

Để giải đáp các thắc mắc cũng như hiểu rõ hơn các quy định về điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, công ty luật Thành Đô trân trong gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa”.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Giao thông đường bộ 2008;

– Luật Đường sắt 2017;

– Văn bản hợp nhất Số 09/VBHN-VPQH Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014;

– Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

– Nghị định 110/2014/NĐ-CP Quy định Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa

– Nghị định 128/2018/NĐ-CP Sửa đổi, Bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa

– Nghị định 92/2016/NĐ-CP Quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng

– Nghị định 65/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt

Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa
Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN TẢI HÀNG HOÁ

Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá thuộc cả bốn lĩnh vực: vận tải đường bộ, vận tải đường thuỷ, vận tải đường sắt và vận tải đường hàng không. Tuy nhiên, mỗi một lĩnh vực có quy định về điều kiện khác nhau. Cụ thể:

2.1. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường bộ

Căn cứ theo quy định của luật giao thông đường bộ, điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường bộ gồm:

– Đăng kí kinh doanh vận tải theo quy định pháp luật;

– Về phương tiện:

+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã.

+Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.

Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau: Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét; Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.

– Lái xe và nhân viên phục vụ lái xe

+ Không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;

+ Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội

+ Nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ đối với hoạt động vận tải

– Người điều hành vận tải phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên.

– Về tổ chức, quản lý: –  Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe;

– Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công – ten – nơ; đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa sử dụng xe đầu kéo kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe ô tô vận tải hàng hóa trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng phương tiện tối thiểu gồm:

+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;

+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên; riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên

2.2. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đường thuỷ

Căn cứ theo quy định tai Nghị định 110/2014/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ bao gồm:

– Có đăng ký kinh doanh ngành nghề vận tải đường thủy nội địa.

– Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.

– Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

– Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

– Đối với kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa nguy hiểm.

– Việc vận chuyển hàng hóa có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường

2.3. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường sắt

+ Phương tiện giao thông đường sắt phải có đủ Giấy chứng nhận đăng ký, Giấy chứng nhận đăng kiểm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có hiệu lực;

+ Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt;

+ Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.

+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến vận tải hàng hoá nguy hiểm trên đường sắt phải tuân theo quy định của Luật Đường sắt và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

2.4. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường hàng không

– Điều kiện về phương án đảm bảo có tàu bay khai thác: Số lượng, chủng loại tàu bay, tuổi của tàu bay; Hình thức chiếm hữu; Phương án khai thác, bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo đảm khai thác, bảo dưỡng tàu bay

– Điều kiện về tuổi tàu bay đã qua sử dụng nhập khẩu vào Việt Nam cho vận chuyển hàng hoá Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua; không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

– Điều kiện về tổ chức bộ máy:

+ Có tổ chức bộ máy thực hiện hệ thống quản lý an toàn, an ninh, hoạt động khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay, khai thác mặt đất; phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng; hệ thống thanh toán tài chính.

+ Người đại diện theo pháp luật của công ty phải là công dân Việt Nam;

+ Người được bổ nhiệm giữ vị trí phụ trách trong hệ thống quản lý an toàn, an ninh, khai thác tàu bay, bảo dưỡng tàu bay, huấn luyện bay phải có kinh nghiệm tối thiểu 03 năm công tác liên tục được bổ nhiệm.

+ Công ty có vốn đầu tư nước ngoài số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá một phần ba tổng số thành viên tham gia bộ máy điều hành.

– Điều kiện về vốn:

+ Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.

+ Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

+ Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;

+ Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ đồng Việt Nam đối với doanh nghiệp chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.

+ Doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật

– Điều kiện về phương án kinh doanh và chiến lược phát triển

+ Đánh giá nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường và thực tiễn và mức độ cạnh tranh dịch vụ được cung cấp trên thị trường.

+ Chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không, chiến lược phát triển đội tàu bay và kế hoạch phát triển kinh doanh của 05 năm đầu kể từ ngày khai thác.

III. HỒ SƠ THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN TẢI HÀNG HOÁ

3.1. Các tài liệu cần chuẩn bị

– Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty kinh doanh vận tải;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên, cổ đông cùa công ty

– Bản sao thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập;

– Hợp đồng lao động;

– Biên bản xác nhận vốn góp

3.2. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá

Bước 1: Chuẩn bị tài liệu và nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân xác định loại hình công ty muốn thành lập để thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá. Sau đó, chuẩn bị các tài liệu như đã đề cập tại mục 3.1 bài viết. Sau đó, Chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện tiến hành nộp hồ sơ tại phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Bước 2: Thẩm định hồ sơ

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ Sở kế hoạch và đầu tư sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Khắc dấu và đăng thông báo

Sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh, doanh nghiệp cần phải tiến hành khắc dấu công ty và đăng kí tại cơ quan Công an, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Sau khi nhận thông báo về mẫu con dấu, Phòng đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp, thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia cấp thông báo về việc đăng tải thông tin về mẫu con dấu của doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

Bước 4: Hoàn tất một số các công việc

– Treo biển tên công ty

– Kê khai và nộp thuế môn bài

– Mở tài khoản ngân hàng của công ty

– In và phát hành hoá đơn giá trị gia tăng

Bước 5. Xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải. Để công ty được đi vào hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá trong từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hoặc đường hàng không. Công ty phải tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định của pháp luật

Chi tiết về thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá trong từng lĩnh vực đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường hàng không quý bạn đọc có thể tham khảo các bài viết trên trang web chính thức của công ty Luật Thành Đô.

Bài viết cùng chủ đề:

Thành lập công ty kinh doanh vận tải có vốn nước ngoài

Trên đây là một số tư vấn của công ty Luật Thành Đô liên quan đến “Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa”.Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc về pháp luật.

Đánh giá bài viết này