- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 25/05/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Khi thực hiện thủ tục thành lập công ty hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn thì doanh nghiệp cần có mức vốn tối thiểu theo quy định để có thể đăng ký kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp.
Hiện nay pháp luật quy định có 3 loại vốn cần quan tâm khi thành lập công ty: vốn điều lệ, vốn pháp định, vốn ký quỹ. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ được bản chất cũng như những quy định về các loại vốn này. Sau đây công ty Luật Thành Đô xin tư vấn chi tiết như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14
– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13

II. ĐIỀU KIỆN VỀ VỐN KHI THÀNH LẬP CÔNG TY
Theo khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá định giá và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.
Hiện nay, vốn điều lệ của mỗi công ty ở nước ta được các doanh nghiệp tự do đăng ký mà không hề bị ràng buộc với những quy định của pháp luật. Khi quyết định thành lập doanh nghiệp, thành viên công ty nên xác định vốn điều lệ dựa trên các cơ sở như:
– Khả năng tài chính;
– Phạm vi, quy mô hoạt động của công ty;
– Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập (vì vốn điều lệ của công ty để sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập);
– Dự án ký kết với đối tác…
Tùy thuộc vào từng loại hình ty mà doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ mà đã đăng ký sao cho phù hợp. Đối với những công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn thì chủ sở hữu của phần vốn góp sẽ chịu trách nhiệm hữu hạn ngay trên phần vốn góp của mình, còn riêng với loại hình doanh nghiệp tư nhân, thì những doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm vô hạn trên tất cả những tài sản của mình vốn có.
Lưu ý:
+) Doanh nghiệp có bất kỳ thay đổi nào về vốn điều lệ trong quá trình hoạt động như tăng vốn điều lệ, giảm vốn điều lệ, cần phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp.
+) Đối với những công ty thành lập để kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định hoặc yêu cầu ký quỹ thì vốn điều lệ của công ty phải tối thiểu bằng mức vốn pháp định hoặc đáp ứng ký quỹ theo quy định của pháp luật.
III. YÊU CẦU VỀ VỐN PHÁP ĐỊNH ĐỂ THÀNH LẬP CÔNG TY
Vốn pháp định công ty là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải có đủ theo quy định của pháp luật đối với ngành kinh doanh có điều kiện tương ứng về vốn để thành lập công ty. Tức là khi doanh nghiệp đăng ký một ngành nghề mà nằm trong danh sách ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì theo quy định của pháp luật cần có đủ số vốn theo quy định từng ngành nghề kinh doanh bên dưới thì doanh nghiệp mới có đủ điều kiện hoạt động.
Ở Việt Nam vốn pháp định chỉ quy định cho một số ngành nghề như: ngân hàng, dịch vụ bảo vệ, sản xuất phim, vận chuyển hàng không, … Việc quy định mức vốn vốn pháp định cụ thể được xác định thông qua các văn bản chuyên ngành, quy định chi tiết về điều kiện kinh doanh các ngành nghề có điều kiện.
IV. VỐN KÝ QUỸ KHI THÀNH LẬP CÔNG TY
Ký quỹ là một trong những biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự: đây là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ (Theo Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015).
Tùy thuộc vào từng ngành nghề kinh doanh, có những ngành chỉ cần đăng ký vốn pháp định là có thể kinh doanh, nhưng có những ngành ngoài việc đăng ký vốn pháp định doanh nghiệp còn phải thực hiện việc ký quỹ để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của mình. Theo đó, vốn ký quỹ là số vốn thuộc vốn pháp định tuy nhiên doanh nghiệp phải có một khoản tiền ký quỹ thực tế trong ngân hàng trong suốt thời gian hoạt động của công ty.
Khi đăng ký thành lập công ty kinh doanh các ngành nghề yêu cầu có ký quỹ thì công ty phải chứng minh đã ký quỹ đủ số tiền mà pháp luật yêu cầu.
Mục đích của việc ký quỹ nhằm đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với những người có liên quan và trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ.
Ví dụ: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 (một trăm triệu) đồng ( theo quy định tại Điều 14 Nghị định 168/2017/NĐ-CP).

Bài viết cùng chủ đề:
Hướng dẫn hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Khi nào doanh nghiệp phải thông báo tập trung kinh tế
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề thành lập công ty cần bao nhiêu vốn. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn