Hiện nay, dịch vụ vận tải là ngành càng thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải biển là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo phụ lục IV danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư năm 2020. Vậy việc “Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển được pháp luật Việt Nam quy định như thế nào?” Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ giúp các nhà đầu tư nắm rõ chi tiết về thủ tục này.

I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT 

– Biểu cam kết WTO;

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Luật Doanh nghiệp 2020;

– Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015;

– Nghị định 160/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển;

– Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH VẬN TẢI BIỂN

Theo Biểu cam kết WTO, liên quan đến cam kết về dịch vụ của Việt Nam thì dịch vụ vận tải biển, thì dịch vụ vận tải biển bao gồm: Dịch vụ vận tải biển: dịch vụ vận tải hành khách bằng đường biển trừ vận tải nội địa (CPC 7211) nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế với tỷ lệ vốn sở hữu 100% đầu tư nước ngoài;

Dịch vụ vận tải hàng hóa bằng đường biển trừ vận tải nội địa (CPC 7212) nhà đầu tư nước ngoài được thành lập tổ chức kinh tế với tỷ lệ vốn sở hữu là 100% vốn đầu tư nước ngoài;

Dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa (CPC 7221, 7222): nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam trong đó phần vốn góp không được vượt quá 49% tổng vốn. Như vây, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải biển, ngoại trừ hoạt động vận tải hàng hóa quốc tế, pháp luật Việt Nam chỉ cho phép thành lập công ty có vốn nước ngoài trong đó phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49%.

Để thành lập và hoạt động Công ty kinh doanh dịch vụ vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, nhà đầu tư phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư

Bước 2: Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bước 3: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Bước 4: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển.

Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển
Thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

Bước 1: Thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh vận tải biển

– Các dự án thuộc trường hợp quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm: dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài. Do đó, dự án kinh doanh dịch vụ vận tải biển thuộc trường hợp phải xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Danh sách hồ sơ cần chuẩn bị để xin quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm:

+ Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

+ Văn bản về tư cách pháp lý: Đối với nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu. Đối với nhà đầu tư là tổ chức: bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý;

+ Văn bản đề xuất cụ thể dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

+ Bản sao một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

+ Văn bản về đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

+ Hồ sơ giải trình về sử dụng công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính đối với Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao;

+ Phương án giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có);

+ Đánh giá sơ bộ tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường;

+ Đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án đầu tư.

Bước 2+ 3: Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với dự án thành lập công ty kinh doanh vận tải biển có vốn đầu tư nước ngoài

– Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

+ Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cơ quan đăng ký đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư cấp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư sau đây: Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;

Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế; Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

– Danh sách hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án thành lập công ty kinh doanh vận tải biển có vốn nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:

(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

(2) Văn bản chứng minh tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Trường hợp nhà đầu tư là cá nhân: Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu, trường hợp nhà đầu tư là tổ chức: bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý;

(3) Hồ sơ đề xuất dự án đầu tư của nhà đầu tư bao gồm các nội dung: mục tiêu, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

(4) Các bản sao hợp lệ một trong các tài liệu sau: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; Cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; Tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

(5) Đề xuất nhu cầu sử dụng đất; trường hợp dự án không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(6) Văn bản giải trình về sử dụng công nghệ gồm các nội dung: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính đối với Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao.

– Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tại Sở Kế hoạch Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thời hạn thực hiện là 03 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.

Bước 4: Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển

– Các điều kiện nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng khi kinh doanh dịch vụ vận tải biển, bao gồm:

(1) Về bộ máy tổ chức, dự án phải đảm bảo có bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển;

(2) Về tài chính, công ty có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên; mức bảo lãnh tối thiểu là 500 triệu đồng Việt Nam;

(3) Về cơ sở vật chất: Công ty phải có tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;

(4) Về con người: Công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển phải đáp ứng các điều kiện về nguồn nhân lực, cụ thể như sau:

+ Người phụ trách bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc một trong các chuyên ngành hàng hải, ngoại thương, thương mại hoặc kinh tế.

+ Thuyền viên làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chuyên môn, tiêu chuẩn về sức khỏe và được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, được cấp chứng chỉ chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định; đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

Mặt khác, thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu mang quốc tịch Việt Nam, và quy định tổng số thuyền viên nước ngoài không vượt quá 1/3 định biên của tàu (định biên là số lượng thuyền viên tối thiểu tùy thuộc vào đặc tính kỹ thuật, mức độ tự động hóa và vùng hoạt động của tàu);

Thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu phải là công dân Việt Nam.

– Danh sách hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển bao gồm:

(1) Tờ khai đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định 160/2016/NĐ-CP: 01 bản;

(2) Danh sách các chức danh và bằng cấp, chứng chỉ liên quan của bộ phận quản lý hoạt động kinh doanh, khai thác vận tải biển: 01 bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu;

(3) Văn bản bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 01 bản chính;

Cơ quan giải quyết: Cục Hàng hải Việt Nam.

Trình tự thủ tục: Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển. Trường hợp từ chối cấp, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do; Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.

III. ĐIỀU KIỆN ĐỐI VỚI CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI KINH DOANH VẬN TẢI

Kinh doanh vận tải biển bao gồm hai hình thức là:

(1) Kinh doanh vận tải hàng hóa bằng đường biển;

(2) Kinh doanh vận tải hành khách bằng đường biển.

3.1. Điều kiện đối với công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển quốc tế

(1). Là được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

(2). Điều kiện về tài chính: Công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển phải có bảo lãnh theo quy định của pháp luật với mức tối thiểu là 05 (năm) tỷ Đồng Việt Nam hoặc mua bảo hiểm để bảo đảm nghĩa vụ của chủ tàu đối với thuyền viên theo quy định.

(3). Điều kiện về tàu thuyền: Công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển; nếu tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

(4). Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp phải thiết lập hoặc thuê tổ chức bộ máy và nhân lực như sau:

– Về tổ chức bộ máy, gồm: Bộ phận quản lý an toàn theo quy định của Bộ luật quốc tế về quản lý an toàn (ISM Code); bộ phận quản lý an ninh hàng hải theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và bến cảng (ISPS Code);

– Về nhân lực: Người được giao phụ trách lĩnh vực quản lý an toàn, an ninh hàng hải phải được đào tạo, huấn luyện và được cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

3.2. Điều kiện đối với công ty có vốn nước ngoài tham gia vận chuyển nội địa bằng tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam

(1). Là được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về hợp tác xã; trong đó tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 49% vốn điều lệ của doanh nghiệp.

(2). Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.

(3). Về nhân sự:

– Thuyền viên nước ngoài được phép làm việc trên tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam hoặc tàu biển được đăng ký tại Việt Nam thuộc sở hữu của các doanh nghiệp liên doanh tại Việt Nam nhưng tổng số thuyền viên nước ngoài không được vượt quá 1/3 định biên của tàu biển;

– Thuyền trưởng hoặc thuyền phó nhất của tàu biển phải là công dân Việt Nam.

Bài viết liên quan:

công ty có vốn nước ngoài kinh doanh dịch vụ dạy nghề

thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Thành Đô về “Thủ tục thành lập công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển” theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, Qúy khách vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 0919.089.888 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể hoặc liên hệ trực tiếp để được sử dụng dịch vụ. Luật Thành Đô tin tưởng với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ làm hài lòng các nhà đầu tư.

5/5 - (2 bình chọn)