- Chuyên mục: Tư vấn luật dân sự
- Ngày đăng: 13/04/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Việc cho thuê nhà ở nhàn rỗi mang lại nguồn thu nhập cho không ít gia đình, cá nhân ở Việt Nam, đây cũng là một hình thức kinh doanh phổ biến ở Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ những quy định của pháp luật cũng như thủ tục cho thuê nhà ở. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật nhà ở 2014
– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP và Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
– Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở
– Nghị định 76/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật kinh doanh bất động sản
– Nghị định 39/2007/NĐ-CP về hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh
– Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Thuế giá trị gia tăng và Thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về Thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế số 71/2014/QH13 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế
II. ĐIỀU KIỆN CHO THUÊ NHÀ Ở
Để có thể cho thuê nhà ở, nhà ở cho thuê nhà cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 118 Luật nhà ở 2014 và Khoản 9 Điều 72 Nghị định 99/2015/NĐ-CP bao gồm:
(1) Có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà theo quy định của pháp luật
(2) Không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn.
(3) Không bị kê biên để thi hành án hoặc không bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(4) Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền.
(5) Nhà ở phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà ở, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Để có thể tham gia giao dịch cho thuê nhà ở, các bên cũng phải đáp ứng những yêu cầu nhất định được quy định tại Điều 119 Luật nhà ở 2014.
Bên cho thuê nhà cần đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện cho thuê nhà ở theo quy định của pháp luật.
(2) Nếu là cá nhân thì phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch cho thuê nhà ở theo quy định của pháp luật dân sự; nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân.
Bên thuê nhà ở cần đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Nếu là cá nhân trong nước thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện các giao dịch về nhà ở và không bắt buộc phải có đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở thuê.
(2) Nếu là cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có đủ năng lực hành vi dân sự để thực hiện giao dịch về nhà ở, phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, không bắt buộc phải có đăng ký tạm trú hoặc đăng ký thường trú tại nơi có nhà ở thuê.
(3) Nếu là tổ chức thì phải có tư cách pháp nhân, không phụ thuộc vào nơi đăng ký kinh doanh, nơi thành lập, trường hợp là tổ chức nước ngoài thì phải thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
III. THỦ TỤC CHO THUÊ NHÀ Ở
Khoản 2 Điều 122 Luật nhà ở 2014 quy định:
“Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, hợp đồng cho thuê nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Do đó, để có thể cho thuê nhà ở, hai bên chỉ cần thỏa thuận việc cho thuê bằng hợp đồng thuê nhà ở, không bắt buộc công chứng, chứng thực hợp đồng.
IV. CHO THUÊ NHÀ CÓ PHẢI ĐĂNG KÝ KINH DOANH KHÔNG?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, các cá hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh bao gồm:
– Buôn bán rong (buôn bán dạo)
– Buôn bán vặt
– Bán quà vặt
– Buôn chuyến
– Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định.
Hoạt động cho thuê nhà ở là một hoạt động kinh doanh và không thuộc các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh trên, do đó khi cho thuê nhà ở, cá nhân/hộ gia đình cần phải đăng ký kinh doanh.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP, hộ gia đình/cá nhân cho thuê nhà ở không cần phải thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Do đó, hộ gia đình/cá nhân cho thuê nhà ở có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
V. CHO THUÊ NHÀ Ở CÓ PHẢI ĐÓNG THUẾ KHÔNG?
5.1. Lệ phí môn bài
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định:
“Các trường hợp được miễn lệ phí môn bài, gồm:
1.Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống.”
Như vậy nếu bên cho thuê nhà có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống thì không phải nộp lệ phí môn bài.
Nếu bên cho thuê nhà có doanh thu hàng năm lớn hơn 100 triệu đồng thì phải nộp lệ phí môn bài như sau:
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
– Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.
5.2. Thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng
Điểm b Khoản 1 Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:
“Đối với cá nhân cho thuê tài sản thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của các hợp đồng cho thuê tài sản.”
Như vậy đối với cá nhân cho thuê nhà, nếu có mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp có doanh thu hàng năm lớn hơn 100 triệu đồng thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng theo công thức:
Số thuế GTGT phải nộp | = | Doanh thu tính thuế GTGT | x | Tỷ lệ thuế GTGT 5% |
Số thuế TNCN phải nộp | = | Doanh thu tính thuế TNCN | x | Tỷ lệ thuế TNCN 5% |
Bài viết cùng chủ đề:
Khi nào được xác định lại giới tính, quyền xác định lại giới tính
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn