- Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 29/09/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Dự án đầu tư là: “tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định” (theo quy định tại khoản 4 điều 3 Luật đầu tư năm 2020). Trong quá trình hoạt động của dự án đầu tư, nhà đầu tư có thể chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư của mình theo quy định của pháp luật hiện hành.
Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: “Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật đầu tư năm 2020;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
– Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. THỦ TỤC CHUYỂN NHƯỢNG TOÀN BỘ DỰ ÁN ĐẦU TƯ
2.1. Điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư
Theo quy định tại khoản 1 điều 46 Luật đầu tư năm 2020, nhà đầu tư có thể chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
– Dự án đầu tư không bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 48 của Luật đầu tư năm 2020;
– Nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 24 của Luật đầu tư năm 2020;
– Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
– Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án bất động sản;
– Dự án đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có);
– Khi chuyển nhượng dự án đầu tư, ngoài việc thực hiện theo quy định tại điều 46 Luật đầu tư năm 2020, doanh nghiệp nhà nước phải có trách nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp trước khi thực hiện việc điều chỉnh dự án đầu tư.
2.2. Hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư
Danh mục hồ sơ chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư bao gồm các tài liệu sau:
(1) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
(2) Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư đến thời điểm chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư;
(3) Hợp đồng hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư;
(4) Bản sao tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng dự án đầu tư;
(5) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định chấp thuận nhà đầu tư (nếu có);
(6) Bản sao Hợp đồng BCC (đối với dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BCC);
(7) Bản sao một trong các tài liệu sau của nhà đầu tư nhận chuyển nhượng dự án đầu tư:
– Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất hoặc báo cáo kiểm toán vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư;
– Bản cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ, cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính, bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
2.3. Một số lưu ý khi chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư
– Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư, thì thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thực hiện như sau:
+ Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án nộp 08 bộ hồ sơ theo mục 2.2 cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc nộp 04 bộ hồ sơ theo mục 2.2. cho Cơ quan đăng ký đầu tư tương ứng với thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án;
+ Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền xem xét điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư theo mục 2.1. để quyết định điều chỉnh dự án đầu tư. Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộn dự án đầu tư và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
– Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng toàn bộ dự án làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án làm thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án làm thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án làm thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án làm kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án mà phải điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
+ Chuyển nhượng toàn bộ dự án làm thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư
Trong trường hợp này, thủ tục sẽ thực hiện tương tự như đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư mà nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư trước khi dự án khai thác vận hành hoặc có sự thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư.
– Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư mà việc chuyển nhượng toàn bộ dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều 41 của Luật Đầu tư năm 2020, thì Nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh Quyết định chấp thuận nhà đầu tư theo trình tự sau:
+ Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ theo mục 2.2 cho Cơ quan đăng ký đầu tư, trong đó văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư được thay thế bằng văn bản đề nghị chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp có liên quan về việc đáp ứng yêu cầu quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020;
+ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan được lấy ý kiến có ý kiến về nội dung chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan đó, gửi Cơ quan đăng ký đầu tư;
+ Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định gồm nội dung theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 4 Điều 33 của Luật Đầu tư năm 2020 để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ và báo cáo thẩm định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư;
+ Quyết định chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư ghi nhận nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư và được gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư, nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng.
– Đối với dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đã đưa vào khai thác, vận hành thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư khi chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư.
– Đối với dự án đầu tư đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không thuộc trường điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư thực hiện như sau:
+ Nhà đầu tư chuyển nhượng toàn bộ dự án dự án đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ theo mục 2.2 cho Cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền;
+ Cơ quan đăng ký đầu có thẩm quyền tư xem xét các điều kiện chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư để điều chỉnh dự án đầu tư theo quy định. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh được gửi cho nhà đầu tư chuyển nhượng và nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư.
– Đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế để thực hiện dự án đầu tư thì việc điều chỉnh dự án sẽ thực hiện điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có) hoặc chấp thuận nhà đầu tư (nếu chuyển nhượng dự án không làm thay đổi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư) hoặc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư).

Bài viết liên quan:
chuyển nhượng một phần dự án đầu tư
Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô về: “Thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án đầu tư”. Mọi vướng mắc liên quan đến thủ tục này, Quý khách vui lòng liên hệ số hotline của Luật Thành Đô để được hướng dẫn chi tiết 0919 089 888.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn