- Chuyên mục: Tư vấn luật hành chính
- Ngày đăng: 27/01/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Từ ngày 1/7/2021, Luật Cư trú 2020 sẽ bắt đầu có hiệu lực. Luật Cư trú 2020 có nhiều điểm mới so với trước đây, một trong số đó là về vấn đề tạm vắng. Theo Luật Cư trú mới, những trường hợp nào sẽ phải khai báo tạm vắng? Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn giải đáp câu hỏi này.
Câu hỏi của khách hàng:
Xin chào Luật sư, tôi nghe nói sắp tới Luật Cư trú mới sẽ có hiệu lực. Tôi thường phải đi làm xa nhà, không biết theo luật mới có phải khai báo tạm vắng không? Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư trả lời:
Chào bạn, với trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Cư trú 2020
– Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
II. TẠM VẮNG LÀ GÌ?
Khoản 7 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định:
“Tạm vắng là việc công dân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.”
III. TRƯỜNG HỢP NÀO PHẢI KHAI BÁO TẠM VẮNG?
So với Luật cư trú trước đây, Luật Cư trú 2020 đã bổ sung thêm một số trường hợp phải khai báo tạm vắng khi đi khỏi nơi cư trú. Cụ thể, theo quy định tại Điều 31 Luật Cư trú 2020, trong các trường hợp sau đây, công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng:
(1) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 1 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách.
(2) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 1 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng.
(3) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 3 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
(4) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các mục trên, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.
Trước khi đi khỏi nơi cư trú, người quy định tại mục (1) và (2) phải đến khai báo tạm vắng tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú; khi đến khai báo tạm vắng phải nộp đề nghị khai báo tạm vắng và văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.
Người quy định tại mục (3) và (4) có thể đến khai báo tạm vắng trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người đó cư trú hoặc khai báo qua điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Trường hợp người quy định tại mục (4) là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Như vậy, có thể thấy, nếu bạn không thuộc 1 trong 4 trường hợp nêu trên thì bạn không cần phải khai báo tạm vắng.
IV. KHÔNG KHAI BÁO TẠM VẮNG BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020:
Người vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư hoặc trường hợp đang chấp hành án phạt tù, chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng sẽ bị xóa đăng ký thường trú.
Mặt khác, theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:
Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Bài viết có thể bạn quan tâm:
Xây nhà không có giấy phép xây dựng bị phạt như thế nào ?
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn