- Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 19/11/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, vì có những thay đổi liên quan đến nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh nênnhiều thương nhân nước ngoài có nhu cầu điều chỉnh giấy phép chi nhánh của mình. Một câu hỏi được nhiều người quan tâm đó là thủ tục điều chỉnh giấy phép chi nhánh được tiến hành như thế nào, hồ sơ bao gồm những gì?
Để giải đáp thắc mắc cho Quý độc giả, trong bài viết: “Thủ tục điều chỉnh giấy phép chi nhánh của thương nhân nước ngoài” Luật Thành Đô sẽ giúp Quý khách hàng giải đáp câu hỏi này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật Thương mại 2005;
– Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại điện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
– Thông tư 11/2016/TT-BCT quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại điện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẢI ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh trong các trường hợp sau:
(1) Thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài;
(2) Thay đổi nội dung hoạt động của thương nhân nước ngoài có liên quan trực tiếp đến nội dung hoạt động của Chi nhánh tại Việt Nam;
(3) Thay đổi người đứng đầu của Chi nhánh;
(4) Thay đổi tên gọi của Chi nhánh;
(5) Thay đổi nội dung hoạt động của Chi nhánh;
(6) Thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Chi nhánh.
III. THỦ TỤC ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Trình tự, thủ tục điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, theo đó thương nhân nước ngoài tiến hành thủ tục theo các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Thương nhân nước ngoài cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ điều chỉnh giấy phép Chi nhánh theo quy định tại Điều 16 Nghị định 07/2016/NĐ-CP.
Bước 2: Nộp hồ sơ
– Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có sự thay đổi, thương nhân nước ngoài phải làm thủ tục điều chỉnh Giấy phép Chi nhánh;
– Thương nhân nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ đến Cơ quan cấp giấy phép;
– Cách thức nộp hồ sơ:
+ Nộp hồ sơ trực tiếp;
+ Nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
+ Nộp hồ sơ trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng);
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp Giấy phép Chi nhánh điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh. Trường hợp không điều chỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do.
Lưu ý:
Trường hợp việc điều chỉnh nội dung hoạt động của Chi nhánh dẫn đến Chi nhánh thuộc các trường hợp sau:
– Việc điều chỉnh nội dung hoạt động của Chi nhánh dẫn đến nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam;
– Thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
– Việc điều chỉnh nội dung hoạt động của Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành;
Trong các trường hợp trên, cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp Giấy phép, Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản nêu rõ ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép điều chỉnh hoặc không điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp không điều chỉnh phải có văn bản nêu rõ lý do.
Bước 4: Nhận kết quả
IV. HỒ SƠ ĐIỀU CHỈNH GIẤY PHÉP CHI NHÁNH CỦA THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI
Thành phần hồ sơ để tiến hành thủ tục điều chỉnh giấy phép chi nhánh của thương nhân nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 16 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP.
Hô sơ bao gồm:
(1) Đơn đề nghị điều chỉnh Giấy phép thành lập Chi nhánh theo Mẫu MĐ-7 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 11/2016/TT-BCT quy định biểu mẫu thực hiện Nghị định số 07/2016/NĐ-CP của Bộ Công Thương do đại diện có thẩm quyền của thương nhân nước ngoài ký;
(2) Các tài liệu chứng minh về nội dung thay đổi, cụ thể:
– Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài: Bản sao tài liệu pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh sự thay đổi tên gọi hoặc địa chỉ đặt trụ sở của thương nhân nước ngoài;
– Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi nội dung hoạt động của thương nhân nước ngoài có liên quan trực tiếp đến nội dung hoạt động của Chi nhánh tại Việt Nam: Bản sao tài liệu pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp chứng minh sự thay đổi nội dung hoạt động của thương nhân nước ngoài;
– Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi người đứng đầu của Chi nhánh: Văn bản của thương nhân nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu mới của Chi nhánh; bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu mới của Chi nhánh; giấy tờ chứng minh người đứng đầu cũ của Chi nhánh đã thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân đến thời điểm thay đổi;
– Trường hợp điều chỉnh Giấy phép do thay đổi địa chỉ đặt trụ sở của Chi nhánh: Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh; bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh theo quy định tại Điều 28 Nghị định 07/2016/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan.
(3) Bản chính Giấy phép thành lập Chi nhánh.
Lưu ý: Các tài liệu chứng minh nội dung thay đổi phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. Một số tài liệu phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bài viết cùng chủ đề:
Xin ngừng hoạt động của dự án đầu tư
Thủ tục thay đổi nhà đầu tư nước ngoài
Thủ tục thay đổi chi nhánh của thương nhân nước ngoài
Quý khách hàng tham khảo bài viết trên, nếu có bất kỳ vướng mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được giải đáp và hướng dẫn thực hiện thủ tục.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn