Doanh nghiệp thẩm định giá chỉ được phép hoạt động khi được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên với mỗi loại hình doanh nghiệp khác nhau để được cấp Giấy chứng nhận thì phải thỏa mãn những điều kiện khác nhau. Vậy liệu thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá của mỗi loại hình doanh nghiệp có khác nhau không và được quy định như thế nào?

Để trả lời cho những thắc mắc liên quan đến vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý độc giả bài viết Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Giá số 11/2012/QH13;

– Nghị định số 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá;

– Nghị định số 12/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP;

– Thông tư số 38/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP;

– Thông tư số 142/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐỦ ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ THẨM ĐỊNH GIÁ

2.1. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Với mỗi loại hình doanh nghiệp khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá thì cần đáp ứng những điều kiện khác nhau, cụ thể là:

2.1.1. Công ty TNHH một thành viên

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó phải có thành viên là chủ sở hữu;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

2.1.2. Công ty TNHH hai thành viên trở lên

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên góp vốn;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

– Phần vốn góp của thành viên là tổ chức không được vượt quá 35% vốn điều lệ của công ty. Trường hợp có nhiều thành viên là tổ chức góp vốn thì tổng số vốn góp của các thành viên là tổ chức không được vượt quá 35% vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên.

2.1.3. Công ty hợp danh

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 thành viên hợp danh;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

2.1.4. Doanh nghiệp tư nhân

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó có 01 thẩm định viên là chủ doanh nghiệp tư nhân;

– Giám đốc doanh nghiệp tư nhân phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

2.1.5. Công ty cổ phần

– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;

– Có ít nhất 03 thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp, trong đó tối thiểu phải có 02 cổ đông sáng lập;

– Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp;

– Phần vốn góp của cổ đông sáng lập là tổ chức không được vượt quá 35% vốn điều lệ của công ty. Người đại diện của thành viên là tổ chức phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá
Thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

2.2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Bước 1: Đáp ứng điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện nêu ở mục 1 trên được Bộ Tài chính xem xét cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá.

Bước 2: Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Các doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, bao gồm các loại giấy tờ sau:

– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá (thực hiện theo mẫu tại Phụ lục số 02 được quy định kèm theo Thông tư số 38/2014/TT-BTC);

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Giấy đăng ký hành nghề thẩm định giá của các thẩm định viên đăng ký hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp được doanh nghiệp xác nhân; Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức chuyên môn về thẩm định giá cho thẩm định viên về giá hành nghề (nếu có);

– Bản sao Hợp đồng lao động hoặc Phụ lục hợp đồng lao động (nếu có) của các thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp;

– Tài liệu chứng minh về mức vốn góp của thành viên là tổ chức đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần;

– Bản sao có chứng thực văn bản bổ nhiệm chức vụ đối với đại diện pháp luật của doanh nghiệp, văn bản ủy quyền trong lĩnh vực thẩm định giá (nếu có);

– Biên lai nộp phí theo quy định của pháp luật.

Bước 3: Nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Doanh nghiệp sau khi chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá). Trường hợp cần làm rõ các thông tin trong hồ sơ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá) có quyền yêu cầu thẩm định viên về giá hoặc doanh nghiệp giải trình hoặc cung cấp tài liệu phục vụ cho việc kiểm tra, đối chiếu, xác minh quá trình làm việc và các thông tin khác trong hồ sơ.

Đồng thời khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận, doanh nghiệp phải nộp phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá là 4.000.000 đồng/lần thẩm định.

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ bộ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá cho doanh nghiệp thẩm định giá.

Trường hợp từ chối cấp, Bộ Tài chính sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Các loại hợp đồng và trình tự giao kết hợp đồng

Quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam

Trên đây là toàn bộ bài viết về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Nếu Quý độc giả còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)