Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân khi đến độ tuổi nhất định, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú. Vậy không đi nghĩa vụ quân sự thì có bị xử phạt không và nếu có thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Những vướng mắc pháp lý sẽ được Luật Thành Đô trả lời tại bài viết Không đi nghĩa vụ quân sự bị xử phạt như thế nào?

Không đi khám nghĩa vụ quân sự bị phạt như thế nào
Không đi khám nghĩa vụ quân sự bị phạt như thế nào

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ TRƯỜNG HỢP KHÔNG ĐI NGHĨA VỤ QUÂN SỰ

– Bộ luật Hình sự số 01/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2017;

– Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015;

– Nghị định số 120/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu do Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 10 năm 2013;

– Nghị định số 14/2016/NĐ – CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 03 năm 2016;

– Thông tư số 95/2014/TT – BQP hướng dẫn Nghị định 120/2013/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 07 tháng 07 năm 2014;

– Thông tư số 148/2018/TT – BQP quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 04 tháng 10 năm 2018.

II. ĐỘ TUỔI ĐĂNG KÍ NGHĨA VỤ QUÂN SỰ VÀ ĐỘ TUỔI GỌI NHẬP NGŨ

2.1 Độ tuổi đăng kí nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015, độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với công dân nam là từ đủ 17 tuổi trở lên; đối với công dân nữ là đủ 18 tuổi và có ngành, nghề chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Quân đội nhân dân. Ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ được quy định theo từng trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, cao đẳng, đại học và trung cấp với các ngành nghề như Ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; Báo chí và Truyền thông; Văn thư – lưu trữ; Tài chính; Kế toán; Luật; Máy tính và công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; Y, Dược; Giáo viên sư phạm; Nghệ thuật trình diễn;…(Điều 3 Nghị định số 14/2016/NĐ – CP quy định ngành, nghề chuyên môn phù hợp yêu cầu của Quân đội nhân dân đối với công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai ngày 15 tháng 03 năm 2016 ).

Thời gian đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu là tháng 04 hằng năm và phải đăng ký trực tiếp tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở, trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.

2.2. Độ tuổi gọi nhập ngũ

Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015 quy định độ tuổi gọi nhập ngũ là đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

III. KHÔNG ĐI NGHĨA VỤ QUÂN SỰ BỊ XỬ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Theo Điều 33 Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015, đợt gọi nhập ngũ năm 2021 sẽ diễn ra vào tháng 02/2021 hoặc tháng 03/2021. Tuy nhiên, trước đó công dân phải thực hiện khám sức khỏe (khoảng thời gian từ ngày 01/11 đến ngày 31/12/2020) theo quy định tại Điều 40 Luật Nghĩa vụ quân sự số 78/2015/QH13 ngày 19 tháng 06 năm 2015. Do đó, trường hợp công dân không thực hiện khám sức khỏe theo quy định, không chịu nhập ngũ… thì tùy vào mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 120/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu ngày 09 tháng 10 năm 2013 hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 332 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2017.

3.1. Xử phạt hành chính đối với hành vi không đi nghĩa vụ quân sự

Theo quy định tại các Điều 4, 5, 6 và 7 Nghị định 120/2013/NĐ – CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu ngày 09 tháng 10 năm 2013, các hành vi sau sẽ bị xử phạt hành chính:

– Hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự bị phạt cảnh cáo;

– Hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp được áp dụng hình thức cảnh cáo bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng;

– Hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng;

– Hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe ghi trong giấy gọi kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng;

– Hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng.

Theo các quy định trên, những người có hành vi vi phạm nhưng có lý do chính đáng thì sẽ không bị xử phạt. Vậy như thể nào là lý do chính đáng? Điều 5 Thông tư số 95/2014/TT –BQP hướng dẫn Nghị định 120/2013/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 07 tháng 07 năm 2014 đã quy định cụ thể như sau:

– Người thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn. Trường hợp này, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã.

– Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng. Trường hợp này, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã.

– Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ. Trường hợp này, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống. Trường hợp này, phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

– Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự… do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở. Trường hợp này, phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không đi nghĩa vụ quân sự

Những người không đi nghĩa vụ quân sự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm (khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2017).

Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Cụ thể:

+ Không chấp hành quy định của Nhà nước về đăng ký nghĩa vụ quân sự là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc đăng ký nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật như: đã có lệnh gọi, nhưng không đến cơ quan quân sự đăng ký nghĩa vụ quân sự hoặc đến không đúng thời gian, địa điểm đăng ký…

+ Không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ là hành vi của người đăng ký nghĩa vụ quân sự, có lệnh gọi nhập ngũ nhưng không nhập ngũ hoặc đã đến nơi nhập ngũ lại bỏ trốn không thực hiện các thủ tục cần thiết để nhập ngũ.

+ Không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện là trường hợp người có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự phải có nghĩa vụ huấn luyện và đã có lệnh gọi tập trung huấn luyện nhưng không đến nơi tập trung huấn luyện hoặc có đến nhưng bỏ về nên không thực hiện được trương trình huấn luyện.

Người phạm tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự thuộc một trong các trường hợp định khung tăng nặng theo khoản 2 Điều 332 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2017 thì bị phạt tù từ 01-05 năm:

– Tự gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của mình;

– Phạm tội trong thời chiến;

– Lôi kéo người khác phạm tội.

Lưu ý, hành vi không đi nghĩa vụ quân sự thực hiện trước khi địa phương giao quân cho đơn vị quân đội tiếp nhận thì mới cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Nếu hành vi này xảy ra sau đó thì có thể cấu thành tội đào ngũ theo Điều 402 Bộ luật Hình sự số 01/VBHN – VPQH ngày 10 tháng 07 năm 2017.

Điều 402. Tội đào ngũ

Người nào rời bỏ hàng ngũ quân đội nhằm trốn tránh nghĩa vụ trong thời chiến hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.”

Như vậy, đối với hành vi không đi nghĩa vụ quân sự, trốn tránh nghĩa vụ quân sự có thể bị phạt nhiều lần cho tới hết tuổi nghĩa vụ quân sự nếu khi chấp hành hình phạt xong mà có giấy gọi nghĩa vụ quân sự mà không thực hiện.

5 lý do nên dử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên dử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo: Những ai được miễn nghĩa vụ quân sự năm 2021 ?

Chuyên mục: Tư vấn nghĩa vụ quân sự

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Không đi nghĩa vụ quân sự bị phạt như thế nào? Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 19001958 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật Thành Đô.

Đánh giá bài viết này