- Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 31/03/2021
- Tác giả: Ban biên tập
Giấy chứng nhận đầu tư là văn bản bằng giấy hoặc là bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Giấy phép này do cơ quan có thẩm quyền cấp cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư tại cơ quan có thẩm quyền và đáp ứng đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định.
Sau khi xin giấy chứng nhận đầu tư thành công, các nhà đầu tư vẫn cần nắm được những công việc nhất định để tiếp tục tiến hành dự án đầu tư của mình. Trong bài viết này Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn “Những lưu ý sau khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Đầu tư năm 2020;
– Luật doanh nghiệp năm 2020;
– Công văn 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020 về triển khai thi hành Luật Đầu tư 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. NHỮNG LƯU Ý SAU KHI XIN CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ ĐẦU TƯ
2.1. Thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thường được gắn liền với các dự án đầu tư và áp dụng phần lớn cho các cá nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài. Giấy chứng nhận đầu tư là điều kiện cần thiết để thành lập công ty nước ngoài tại Việt Nam, đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp. Theo khoản 11 Điều 3 Luật đầu tư năm 2020, thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng bản giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư.
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tại Sở Kế hoạch Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, thời hạn thực hiện là 03 -07 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Hồ sơ để thành lập doanh nghiệp, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp (Công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn), hồ sơ bao gồm các giấy tờ sau đây:
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
+ Điều lệ công ty;
+ Danh sách thành viên/ Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài
+ Bản sao các giấy tờ sau: Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân; Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.
Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư.
2.2. Mở tài khoản và tiến hành kê khai, nộp thuế môn bài theo quy định
Theo đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, pháp nhân được thành lập phải tiến hành thủ tục mở tài khoản ngân hàng và tiến hành nộp thuế môn bài theo quy định.
Doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ mở tài khoản bao gồm các giấy tờ sau:
(1) Bản sao y công chứng giấy chứng minh nhân dân của người đại diện pháp luật.
(2) Bản sao y công chứng giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
(3) Thông báo hoặc quyết định về việc sử dụng con dấu của Công ty.
Về thuế môn bài, trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp mới thành lập phải nộp tờ khai thuế môn bài cho Cục thuế theo tờ khai thuế môn bài số 01/MBAI – Ban hành kèm theo Thông tư số 156./2013/TT-BTC và trích nộp tiền thuế Môn bài từ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước thông qua hình thức nộp thuế điện tử.

2.3. Thực hiện dự án đầu tư đúng theo quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Theo Điều 40 Luật đầu tư năm 2020 thì nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: Tên dự án đầu tư; Nhà đầu tư.; Mã số dự án đầu tư; Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động); Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư; Tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bao gồm: Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn; Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có); Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Do đó, sau khi nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung đã được cấp tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với các nội dung cụ thể trên.
Đồng thời Điều 41 Luật đầu tư quy định về điều chỉnh dự án đầu tư, theo đó trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong trường hợp việc điều chỉnh dự án đầu tư làm thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nhà đầu tư có dự án đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư;
– Thay đổi quy mô diện tích đất sử dụng trên 10% hoặc trên 30 ha, thay đổi địa điểm đầu tư;
– Thay đổi tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư;
– Kéo dài tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà tổng thời gian đầu tư dự án vượt quá 12 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu;
– Điều chỉnh thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
– Thay đổi công nghệ đã được thẩm định, lấy ý kiến trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư;
– Thay đổi nhà đầu tư của dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư trước khi dự án khai thác, vận hành hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có).
Đối với dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư không được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư quá 24 tháng so với tiến độ thực hiện dự án đầu tư quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư lần đầu, trừ một trong các trường hợp sau đây:
Để khắc phục hậu quả trong trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật về đất đai; Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư do nhà đầu tư chậm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
Điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nhà nước chậm thực hiện thủ tục hành chính; Điều chỉnh dự án đầu tư do cơ quan nhà nước thay đổi quy hoạch; Thay đổi mục tiêu đã được quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư; bổ sung mục tiêu thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư; Tăng tổng vốn đầu tư từ 20% trở lên làm thay đổi quy mô dự án đầu tư.

Trên đây là nội dung bài viết của Công ty Luật Thành Đô về “Những lưu ý sau khi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư”. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, Qúy khách vui lòng liên hệ qua tổng đài tư vấn 0919 089 888 để được Luật sư của chúng tôi tư vấn cụ thể hoặc liên hệ trực tiếp để được sử dụng dịch vụ. Luật Thành Đô tin tưởng với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, chúng tôi sẽ làm hài lòng Qúy khách hàng.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn