- Chuyên mục: Tư vấn luật hôn nhân
- Ngày đăng: 18/11/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Gia đình vốn là tế bào cấu thành và là nền tảng để ổn định xã hội. Tuy nhiên hiện nay ly hôn lại là hiện tượng khá phổ biến. Thực tế cho thấy rằng, các vụ ly hôn đang gia tăng nhanh về số lượng do những mâu thuẫn trong đời sống vợ chồng không thể giải quyết. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ly hôn là một bên không thực hiện hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Vậy pháp luật quy định cụ thể về ly hôn trong trường hợp này như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13;
– Bộ Luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13.
II. LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG KHI MỘT BÊN VI PHẠM NGHIÊM TRỌNG NGHĨA VỤ GIỮA VỢ VÀ CHỒNG
Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định:
Vợ, chồng bình đẳng với nhau, có quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân được quy định trong Hiến pháp, Luật này và các luật khác có liên quan.
Theo đó, vợ, chồng có nghĩa vụ yêu thương, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình… Trong trường hợp có căn cứ cho rằng một bên vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì vợ hoặc chồng có thể nộp đơn ly hôn đơn phương bởi khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có quy định:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Để xác định có việc vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng dẫn đến việc một bên yêu cầu ly hôn hay không, có thể dựa vào những căn cứ sau đây:
Thứ nhất, vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân:
+ Vợ hoặc chồng có hành vi phân biệt đối xử, gây bất bình đẳng nghiêm trọng về quyền và nghĩa vụ trong gia đình như việc ăn ở, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, quan hệ với gia đình, họ hàng hai bên; phân biệt đối xử, cản trở vợ hoặc chồng thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân như chọn nghề nghiệp, việc làm, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tham gia công tác xã hội …
+ Vợ hoặc chồng có hành vi ngoại tình, chung sống như vợ chồng với một người khác mặc dù mình đang có gia đình. Tuy đã được người còn lại hoặc bà con thân thích hay cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình.
+ Vợ hoặc chồng không chung sống với nhau mà không có lý do chính đáng hoặc không có thỏa thuận gì khác. Để đạt mục đích kết hôn là xây dựng gia đình hòa thuận, bền vững, vợ chồng phải thực sự chung sống với nhau, cũng không buộc phải thường xuyên, liên tục suốt thời kỳ hôn nhân nhưng nếu không chung sống một thời gian dài mà không có lý do chính đáng và không có thỏa thuận với nhau sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng và những vấn đề pháp lý khác.
+ Vợ hoặc chồng ràng buộc việc lựa chọn nơi cư trú mà không có thỏa thuận với nhau. Bên cạnh nghĩa vụ chung sống thì vợ chồng có quyền thỏa thuận lựa chọn nơi cư trú phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung sống và thuận lợi cho việc duy trì mối quan hệ vợ chồng; trường hợp bên vợ hoặc bên chồng ràng buộc về nơi cư trú của bên kia mà không có sự bàn bạc, đồng ý hoặc hai bên thỏa thuận với nhau là đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng.
+ Vợ hoặc chồng có hành vi làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau.
+ Vợ hoặc chồng có hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.
Thứ hai, vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng:
+ Vợ hoặc chồng có hành vi vi phạm quy định về đại diện giữa vợ, chồng như tự ý đứng ra xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của cả vợ chồng, gia đình mà không được sự đồng ý của bên kia làm ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của bên không đứng ra giao dịch hoặc của cả gia đình.
+ Vợ hoặc chồng từ chối làm người đại diện cho bên kia mà không có lý do chính đáng trong những trường hợp pháp luật quy định để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên kia.
Thứ ba, vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ tài sản:
+ Vợ hoặc chồng vi phạm quy định về bình đẳng quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, phân biệt giữa lao động có thu nhập với lao động trong gia đình; đưa tài sản chung vào kinh doanh mà không có thỏa thuận bằng văn bản; không đóng góp tài sản, thu nhập để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, không thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
+ Vợ hoặc chồng vi phạm quy định về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chung, không ghi tên của cả hai vợ chồng đối với tài sản chung pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng mà không có thỏa thuận khác.
+ Vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng; về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng.
Như vậy, trong trường hợp người chồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giữa vợ và chồng theo một trong những căn cứ nêu trên thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên người vợ cần có những bằng chứng để chứng minh lỗi của chồng (có thể được thể hiện bằng hình ảnh, băng ghi hình hoặc người làm chứng…).
III. THỦ TỤC LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG
3.1. Nộp hồ sơ xin ly hôn cho tòa án
Theo quy định tại Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì ly hôn theo yêu cầu của một bên sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp huyện nơi mà người bị kiện cư trú. Người vợ có yêu cầu ly hôn sẽ nộp đơn xin ly hôn tại Tòa án nhân dân cấp Quận, huyện nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) của chồng hoặc TAND nơi làm việc của chồng (nếu không xác định được nơi cư trú của chồng).
Hồ sơ bao gồm:
– Đơn xin ly hôn theo mẫu của Tòa án.
– Tài liệu cần nộp kèm theo đơn:
+ Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu mất bản chính thì phải có bản sao của Ủy ban nơi đăng ký kết hôn cấp)
+ Bản sao hợp lệ giấy khai sinh của các con chung
+ Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu. Nếu tạm trú thì phải có giấy khai báo tạm trú hoặc xác nhận của công an nơi tạm trú
+ Bản sao có công chứng giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân
+ Giấy xác nhận mức lương tháng của cơ quan đơn vị nơi người khởi kiện công tác làm việc
+ Biên bản hòa giải giải quyết mâu thuẫn vợ chồng của cơ quan, đơn vị, gia đình hoặc địa phương (nếu có)
+ Bản sao có công chứng giấy tờ về nhà đất, tài sản khác như: Giấy chứng nhận đăng ký xe; sổ tiết kiệm, giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu…(của vợ chồng)
+ Tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ.
3.2. Tòa án tiếp nhận và xử lý đơn xin ly hôn
Sau khi nhận đơn cùng hồ sơ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Tòa án nơi nhận đơn sẽ kiểm tra đơn. Nếu thấy đơn yêu cầu và tài liệu, chứng cứ kèm theo đã đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì yêu cầu người nộp đơn bổ sung.
Mức án phí ly hôn đơn phương ở cấp sơ thẩm là 300.000 đồng (nếu không có tranh chấp về tài sản). Nếu có tranh chấp tài sản thì áp dụng án phí có giá ngạch tương ứng với tỉ lệ tài sản.
Khi nhận được thông báo nộp án phí của Tòa, người nộp đơn đi nộp tiền tại Chi cục thi hành án Quận/huyện và nộp lại biên lai cho Tòa án. Sau đó Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án.
Chuyên mục tham khảo: Tổng đài tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề ly hôn khi chồng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ vợ chồng. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua HOTLINE: 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn