- Chuyên mục: Tư vấn luật hôn nhân
- Ngày đăng: 11/08/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Thực tế hiện nay cho thấy, khi tư tưởng xã hội ngày càng cởi mở,việc các cặp đôi chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ diễn ra ngày càng phổ biến. Vậy dưới góc độ pháp lý,hành vi sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc trên.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật hôn nhân và gia đình (LHN&GĐ) năm 2014;
Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình;
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã;
Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35/2000/QH10 của Quốc hội “Về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình”.
II. NỘI DUNG TƯ VẤN
Việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có thể chia thành nhiều trường hợp khác nhau. Theo đó, có các trường hợp sau:
2.1. Trường hợp thứ nhất: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không được pháp luật công nhận nhưng không bị coi là phạm pháp
Khoản 1 điều 9 LHN&GĐ năm 2014 quy định:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
Như vậy, việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng và không bị coi là phạm pháp. Theo đó, căn cứ Điều 14, Điều 15, Điều 16 Luật HN&GĐ, khi các cặp đôi này xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp về tài sản – hợp đồng – nghĩa vụ, Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan sẽ được áp dụng để giải quyết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận riêng và không trái quy định pháp luật.
Riêng vấn đề quyền và nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con sẽ được giải quyết theo quy định của Luật HN&GĐ về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

2.2. Trường hợp thứ hai: Nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được pháp luật công nhận
Đây là trường hợp đặc biệt mà LHN&GĐ năm 2014 công nhận giá trị pháp lý đối với việc nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn căn cứ vào thời điểm chung sống như vợ chồng. Cụ thể, Khoản 1 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP có quy định như sau:
“Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03/01/1987 (ngày Luật Hôn nhân và gia đinh 1986 có hiệu lực) mà chưa có đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn, nếu một bên hoặc cả hai bên có yêu cầu ly hôn, tòa án thụ lý vụ án và áp dụng quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết vụ án ly hôn theo thủ tục chung”. Như vậy, trường hợp này, pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng mặc dù không đăng ký kết hôn.
Tuy nhiên, đối với những cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 cần lưu ý: Nếu có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật thì phải đăng ký kết hôn trong thời hạn 2 năm. Sau ngày 01/01/2003, nếu không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận quan hệ vợ chồng. Sau ngày 01/01/2003 mới đăng ký kết hôn, quan hệ vợ chồng chỉ được công nhận là đã xác lập kể từ ngày họ đăng ký kết hôn.
Đối với trường hợp nam và nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 01/01/2001 đến nay mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng.
2.3. Trường hợp thứ ba: Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn bị coi là phạm pháp
Điểm c và điểm d khoản 2 điều 5 LHN&GĐ năm 2014 cấm các hành vi sau:
“c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;”
Theo đó, việc Người đang có vợ, có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ;
Giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng là vi phạm quy định cấm của pháp luật.
Khi thực hiện hành vi nêu trên, căn cứ Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, người thực hiện phải chịu mức xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
…………….
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
………”
Như vậy, việc nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng chỉ bị coi là phạm pháp nếu một trong hai người này dù đã có vợ hoặc chồng nhưng vẫn chung sống với người khác như vợ chồng hay cặp đôi này có quan hệ huyết thống. Nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, việc họ sống chung với nhau như vợ chồng sẽ không có giá trị pháp lý, không được LHN&GĐ năm 2014 công nhận, nhưng không bị coi là phạm pháp.

Bài viết liên quan:
Đăng ký khai sinh cho con khi cha mẹ chưa đăng ký kết hôn
Điều kiện để được nuôi con khi ly hôn
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về các quy định của pháp luật liên quan đếnvấn đề “Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn có phạm pháp không?”. Nếu có bất cứ thắc mắc liên quan, quý khách vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô qua số hotline: 19001958 hoặc email: luatsu@luatthanhdo.com.vn.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn