- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 17/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Phá sản doanh nghiệp là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, việc cạnh tranh kinh doanh càng ngày càng gay gắt, những doanh nghiệp nào không đáp ứng được những đòi hỏi của sức ép cạnh tranh sẽ bị đào thải.
Để loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn đồng thời phòng ngừa, khắc phục những hậu quả, rủi ro mà doanh nghiệp này có thể gây ra cho nền kinh tế, pháp luật về doanh nghiệp đã xây dựng và thực thi cơ chế phá sản có hiệu quả.
Vậy theo căn cứ pháp luật, khi nào doanh nghiệp đủ điều kiện tuyên bố phá sản và thủ tục phá sản như thế nào? Sau đây Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể vấn đề này:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
Luật phá sản số 51/2014/QH13

II. ĐIỀU KIỆN TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
Khoản 2 điều 4 Luật phá sản quy định Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo đó, để công nhận là phá sản, doanh nghiệp đó phải đáp ứng những điều kiện sau:
(1) Mất khả năng thanh toán: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Việc không thực hiện nghĩa vụ thanh toán có thể gồm 2 trường hợp:
+ Trường hợp 1: Không có tài sản để thanh toán các khoản nợ
+ Trường hợp 2: Có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ
(2) Bị Tòa án tuyên bố phá sản
III. THỦ TỤC TUYÊN BỐ PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP
Thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp được tiến hành như sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Về chủ thể nộp đơn, Điều 5 Luật phá sản quy định người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gồm:
+) Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần
+) Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở
+) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã
+) Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh
+) Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên
+) Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã
Về cơ quan có thẩm quyền giải quyết, Điều 8 quy định:
+) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hợp tác xã tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp:
(i) Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
(ii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
(iii) Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
(iv) Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân cấp huyện) mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.
+) Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định thuộc thẩm quyền tòa án cấp tỉnh.

Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:
+) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
+) Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung thì thẩm phán thông báo cho người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn;
+) Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;
+) Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
– Thông báo việc xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải bằng văn bản và gửi cho người nộp đơn và doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán biết.
– Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Bước 3: Mở thủ tục phá sản
Theo điều 42, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
Bước 4: Hội nghị chủ nợ
– Triệu tập Hội nghị chủ nợ:
+) Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất: Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày kết thúc việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách chủ nợ.
Hội nghị chủ nợ được coi là hợp lệ khi có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm (Theo điều 79 Luật phá sản). Nếu không đáp ứng điều kiện này thì phải triệu tập Hội nghị chủ nợ lần 2.
+) Hội nghị chủ nợ lần 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán phải triệu tập lại Hội nghị chủ nợ.
– Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:
+) Đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán.
+) Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh đối với doanh nghiệp, hợp tác xã.
+) Đề nghị Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản nếu thấy không còn khả năng cứu vãn.
Bước 5:Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản trong các trường hợp sau:
– Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản khi Hội nghị chủ nợ không thành, gồm các trường hợp:
+) Triệu tập hội nghị chủ nợ lần 2 mà vẫn không đủ số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm
+) Hội nghị chủ nợ không thông qua được nghị quyết vì không có đủ quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành
+) Không tổ chức lại được Hội nghị chủ nợ hoặc không thông qua được nghị quyết về phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
– Tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản sau khi có nghị quyết hội nghị chủ nợ. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản, Tòa án xem xét ra quyết định tuyên bố phá sản.
Bước 6: Thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã
– Thanh lý tài sản phá sản
– Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản. Điều 54 quy định về thứ tự phân chia tài sản như sau:
+) Chi phí phá sản;
+) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+) Nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ;
Trường hợp giá trị tài sản sau khi đã thanh toán đủ các khoản trên mà vẫn còn thì thuộc về:
+) Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;
+) Chủ doanh nghiệp tư nhân;
+) Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
+) Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;
+) Thành viên của Công ty hợp danh.

Bài viết cùng chủ đề phá sản doanh nghiệp:
Điều kiện làm tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước
Kinh doanh không giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề điều kiện và thủ tục tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 19001958 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn
Anh chị trả lời câu hỏi sau:
Công ty TNHH C có 02 thành viên: A là cá nhân và B là 01 CTCP. Hãy phân tích hậu quả pháp lý đối với C và B trong 02 trường hợp:
-B có quyết định tuyên bố phá sản
-C có quyết định tuyên bố phá sản