- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 05/08/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Trái phiếu là một loại chứng khoán phổ biến trên thị trường Việt Nam được nhiều nhà đầu tư ưa tiên lựa chọn. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam quy định tương đối chặt chẽ về trái phiếu. Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến trái phiếu, công ty luật Thành Đô trân trọng gửi tới quý bạn đọc bài viết: “Quy định về điều kiện phát hành trái phiếu tại Việt Nam”.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật chứng khoán 2019;
– Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
II. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA TRÁI TRÁI PHIẾU
2.1. Khái niệm trái phiếu
Tại khoản 3 Điều 4 Luật chứng khoán quy định: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.
Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng quy định: “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.
Như vậy, trái phiếu là giấy ghi nợ xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của công ty phát hành hay còn được gọi là người vay tiền phải trả cho người cho vay tức là người nắm giữ trái phiếu một khoản tiền nhất định.

2.2. Đặc điểm của trái phiếu
– Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty TNHH được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
– Kỳ hạn trái phiếu: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt phát hành căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp và tình hình thị trường.
– Trái phiếu phát hành tại thị trường trong nước, mệnh giá là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam. Mệnh giá của trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế thực hiện theo quy định tại thị trường phát hành.
– Trái phiếu là chứng khoán nợ, vì vậy khi Công ty bị giải thể hoặc phá sản thì trước hết Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho những người nắm giữ Trái Phiếu trước, sau đó mới chia cho các Cổ đông;
– Thu nhập của trái phiếu là từ tiền lãi, đây là khoản thu cố định và không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty phát hành.
– Khi doanh nghiệp bị phá sản, do trái phiếu được coi như khoản nợ nên sẽ được ưu tiên thanh toán trước so với cổ phiếu.
III. CÁC LOẠI HÌNH TRÁI PHIẾU
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện nay trên thị trường có hai loại hình trái phiếu:
– Trái phiếu không chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền
– Trái phiếu chuyển đổi: là trái phiếu có bảo đảm hoặc trái phiếu không có bảo đảm, trái phiếu kèm theo chứng quyền hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền
IV. ĐIỀU KIỆN PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU
4.1. Đối với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền
Căn cứ vào nghị định 153/2020/NĐ-CP về điều kiện phát hành trái phiếu. Theo đó, đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền (không bao gồm việc chào bán trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng), khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Chỉ công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam mới đủ điều kiện phát hành trái phiếu
2. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu trước đó mà vẫn còn nợ thì phải thanh toán đủ cả gốc lẫn lãi hoặc thanh toán đủ các khoản nợ trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu tiếp theo. Trừ trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn.
3. Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
4. Doanh nghiệp phải có phương án phát hành trái phiếu bao gồm:
+ Thông tin về doanh nghiệp phát hành như tên doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, trụ sở, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
+ Mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư; các hoạt động sản xuất, kinh doanh cần bổ sung vốn; nguồn vốn được cơ cấu ( từng khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu, giá trị của khoản nợ hoặc vốn chủ sở hữu được cơ cấu). Riêng đối với các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán thì mục địch phát hành trái phiếu chỉ bao gồm để tăng vốn cấp 2 hoặc để cho vay, đầu tư hoặc sử dụng cho mục đích theo quy định của pháp luật chuyên ngành
+ Các tài liệu chứng minh doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện để phát hành chứng khoán
+ Các điều kiện, điều khoản của trái phiếu phát hành. Nếu như dự kiến phát hành trái phiếu thành nhiều đợt thì phải dự kiến được số lượng, khối lượng, thời điểm chào bán của từng đợt.
+ Xác định phương án chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu nếu phát hành trái phiếu chuyển đổi
+ Một số chỉ tiêu về tài chính trong 3 năm liên tiếp
+ Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành hoặc các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt chào bán trái phiếu
+ Phương thức phát hành trái phiếu; Kế hoạch sử dụng nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu; Kế hoạch bố trí nguồn và phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu; Cam kết công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Sau khi đưa ra các phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp phải được sự phê duyệt và chấp thuận theo quy định tạo khoản 2 Điều 13 Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
1. Có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này.
2. Đối tượng tham gia đợt chào bán là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán.
4.2. Đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán không phải là công ty đại chúng.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp này phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại điểm a, c, c, e, f đề cập tại Mục 4.1 bài viết.
4.3. Đối với chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền
Điều kiện đối với việc chào bán trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền của doanh nghiệp có một số thay đổi so với trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền
– Chỉ công ty cổ phần mới được phép phát hành loại trái phiếu này;
– Đối tượng tham gia phát hành loại trái phiếu này bao gồm:
+ Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
+ Nhà đầu tư chiến lược trong đó số lượng nhà đầu tư chiến lược phải đảm bảo dưới 100 nhà đầu tư.
– Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: thanh toán đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành hoặc thanh toán đủ các khoản nợ đến hạn trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có); trừ trường hợp chào bán trái phiếu cho chủ nợ là tổ chức tài chính được lựa chọn;
Đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành; có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định; có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP
– Giữa các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán gần nhất. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, thực hiện chứng quyền phải đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Bài viết liên quan:
Quy định pháp luật về điều lệ Công ty cổ phần
Vốn pháp định là gì? Các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định
Trên đây là một số tư vấn của công ty liên quan đến vấn đề : “Quy định về điều kiện phát hành trái phiếu tại Việt Nam”. Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm đặc biệt trong lĩnh vực tư vấn về chứng khoán, khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc liên quan đến chứng khoán
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn