Trụ sở chính của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn với nhiều người. Trong một số trường hợp, có thể đồng nhất hai khái niệm này với nhau. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt, đặc biệt là về khía cạnh pháp lý. Luật Thành Đô sẽ phân tích sự khác nhau giữa trụ sở chính và địa điểm kinh doanh trong bài viết dưới đây.

I. Khái niệm trụ sở chính, địa điểm kinh doanh

Trụ sở chính của doanh nghiệp theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020 là địa điểm đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới hành chính, có số điện thoại, số fax và thư điện tử (không bắt buộc).

Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là nơi trực tiếp diễn ra hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Khái niệm địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp được quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020.

Pháp luật không quy định doanh nghiệp phải có trụ sở chính riêng biệt với địa điểm kinh doanh. Do đó, trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể là một địa điểm hoặc là những địa điểm khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp có trụ sở chính được đăng ký tại Tp. Hồ Chí Minh, tuy nhiên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp lại được diễn ra tại Bình Dương. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải được đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có trụ sở chính hoặc chi nhánh của doanh nghiệp.

Phân biệt trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp
Phân biệt trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

II. Phân biệt trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp

2.1. Về tên gọi

Tên được đặt tại trụ sở chính chính là tên của doanh nghiệp. Tên đó phải đảm bảo các yêu cầu đặt tên doanh nghiệp tại Điều 37 Luật doanh nghiệp 2020, không đặt tên vi phạm điều cấm trong đặt tên, không đặt tên trùng và tên gây nhầm lẫn. Cách đặt tên cho doanh nghiệp được hướng dẫn cụ thể để tên đó là duy nhất và thể hiện được lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Tên của địa điểm kinh doanh được quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Tên của địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh. Đặc biệt, phần tên riêng trong tên địa điểm kinh doanh không được sử dụng cụm từ “công ty” hay “doanh nghiệp” để tránh gây nhầm lẫn.

2.2. Về chế độ thuế

Doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam có tư cách pháp nhân và vì vậy sẽ có mã số thuế riêng. Mã số thuế này được công khai. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh không có mã số thuế riêng. Mọi vấn đề về thuế của địa điểm kinh doanh được thực hiện phụ thuộc vào trụ sở chính, nơi diễn ra hoạt động quản lý chung của doanh nghiệp.

2.3. Về mục đích

Mục đích của trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp là hoàn toàn khác nhau.

– Trụ sở chính là địa điểm được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Nhìn chung, đa số các vấn đề của doanh nghiệp đều được liên hệ tới trụ sở chính. Trụ sở chính không bắt buộc phải diễn ra hoạt động kinh doanh.

– Địa điểm kinh doanh có mục đích chính là nơi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải được thực hiện tại địa điểm kinh doanh.

2.4. Về điều kiện

Trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Cụ thể:

Đối với trụ sở chính:

– Trước hết,trụ sở chính phải là nơi được ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây cũng là điều kiện để nhà nước kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Pháp luật hiện hành không cho phép nhiều doanh nghiệp có chung một địa chỉ trụ sở chính.

– Địa điểm của trụ sở chính phải được ghi cụ thể theo địa giới hành chính Việt Nam. Địa chỉ được xác định gồm số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

– Trụ sở chính của doanh nghiệp không được phép đặt tại chung cư. Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 coi việc sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở là hành vi bị cấm. Như vậy, đối với chung cư có mục đích để ở thì không được phép đặt trụ sở chính của doanh nghiệp.

Đối với địa điểm kinh doanh:

– Phải tiến hành thông báo lập địa điểm kinh doanh tới Phòng Đăng ký kinh doanh nơi lập địa điểm kinh doanh. Quy định về hồ sơ, thủ tục và thời gian thông báo lập địa điểm kinh doanh tuân theo quy định tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

– Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào trụ sở chính bởi luật quy định doanh nghiệp chỉ được thành lập địa điểm kinh doanh tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh. Từ đó có thể dễ dàng quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh

Trên đây là những phân tích của Luật Thành Đô về điểm khác nhau giữa trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Luật Thành Đô cung cấp các dịch vụ pháp lý về thành lập doanh nghiệp từ A-Z. Mọi vướng mắc pháp lý cần tư vấn xin vui lòng liên hệ với luật sư của Công ty Luật Thành Đô để được giải đáp miễn phí.

Đánh giá bài viết này