- Chuyên mục: Tư vấn luật hình sự
- Ngày đăng: 30/09/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Cướp giật tài sản là một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội do xâm phạm đồng thời đến cả tính mạng, sức khỏe và tài sản của con người. Do vậy, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định rất chi tiết các hình phạt tù đối với loại tội phạm này. Trong bài viết này Luật Thành Đô xin giới thiệu một số hình phạt tù và cách xử lý khi bị vu oan tội cướp tài sản.

I. TỘI CƯỚP GIẬT TÀI SẢN BỊ PHẠT BAO NHIÊU NĂM TÙ
Thưa luật sư, xin hỏi: Em trai tôi 16 tuổi thực hiện hành vi giật mũ của một bạn nữ đi xe đạp cùng chiều để trêu đùa nhưng bị công an bắt được và xác định tội danh cướp giật tài sản và bị phạt 1 năm tù giam có đúng tội không, hình phạt như vậy có nặng quá không?
Luật sư trả lời:
Trường hợp của em trai bạn cướp giật tài sản của người khác đã đủ cấu thành tội cướp giật tài sản. Hành vi phạm tội này thuộc Khoản 1 Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Điều 171. Tội cướp giật tài sản
Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khung hình phạt đối với tội cướp giật tài sản theo Khoản 1 Điều 171 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là từ 01 đến 05 năm tù.’
Đối với mức phạt tù mà bên Công an khởi tố là 01 năm tù là mức thấp nhất của khung hình phạt này. Hình phạt mà cơ quan điều tra đưa ra là đúng người đúng tội. Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định hình phạt cuối cùng, thẩm phán sẽ căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ, nhân thân của bị cáo để dụng hình phù hợp. Căn cứ quyết định quy định tại Điều 50 BLHS 2015 dưới đây:
Điều 50. Căn cứ quyết định hình phạt
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
II. CÁCH GIẢI QUYẾT KHI BỊ VU OAN TỘI CƯỚP
Xin chào Luật Thành Đô, Tôi có câu hỏi sau xin được giải đáp: Mẹ tôi có cho 1 người hàng xóm vay tiền , nhưng bà ta có ý định bỏ trốn không trả nợ. Tôi cùng em họ mình đã chặn bà ta ngoài đường để đòi số nợ nhưng bà ta ko chịu trả và báo công an phường kêu tôi và người em họ cướp xe bà. Khi công an phường tới thì bà ta nói anh em tôi cướp xe bà. Lên phường giải quyết thì công an giữ xe bà ta và nói 2 bên giải quyết nợ nần xong lấy xe về , nhưng bà ta vẫn kiên quyết không trả và đòi kiện ra tòa án tôi và người em họ cướp xe bà ta. Xin hỏi luật sư giờ vấn đề của tôi phải giải quyết như thế nào? Và tôi và người em của có có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mong Luật sư giúp đỡ. Xin chân thành cảm ơn!
Để có thể xác định một người có phạm tội cướp tài sản hay không, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xem xét hành vi của họ có đáp ứng các điều kiện trong cấu thành tội cướp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hay không. Cụ thể, khoản 1 Điều 168 BLHS quy định về cấu thành tội phạm cướp tài sản như sau:
– Một là, dùng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được;
– Hai là, nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.
Trường hợp của bạn, như bạn nói là bạn chỉ chặn đường để đòi tiền chứ không có hành vi dùng vũ lực và cũng không có mục đích cướp tài sản thì không thể bị quy chụp vào tội cướp tài sản được.
Vì hành vi của bạn và em họ của bạn không cấu thành tội cướp tài sản nên người hàng xóm nợ tiền của mẹ bạn không thể kiện bạn với hành vi cướp tài sản được.
Mặt khác, đối với việc người hàng xóm này nợ tiền của mẹ bạn với số tiền 14 triệu đồng và có ý định không trả nợ, bạn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc này cho gia đình bạn theo 2 con đường, là con đường dân sự và con đường hình sự. Nếu lựa chọn giải quyết theo con đường dân sự, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án yêu cầu người hàng xóm này trả nợ cho gia đình bạn. Nếu lựa chọn giải quyết theo con đường hình sự, bạn có thể làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an về hành vi lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 BLHS.

Phương án giảm nhẹ hình phạt
Tòa án có thể quyết định một hình phạt nhẹ hơn hình phạt mà người phạm tội đã bị viện kiểm sát truy tố theo quy định tại Điều 54 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 dưới đây:
Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.
Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án
Nếu có một trong hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo Điều 51 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì người phạm tội có thể được giảm hình phạt tù xuống dưới mức hình phạt thấp nhất của khung nhưng phải trong khung hình phạt liền kề. Ví dụ : Người phạm tội bị phạt 5 năm tù giam thuộc Khoản 2 Điều 171 BLHS nhưng nếu có hai tình tiết giảm nhẹ có thể được giảm xuống khoản 1 Điều 171 với mức hình phạt từ 1 đến 5 năm tù. Lúc này Tòa án có thể quyết định cho người phạm tội hình phạt dưới 5 năm tù giam.
Điều 51. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.1958 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Thành Đô.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn