- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 14/05/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Đình công là quyền của người lao động được quy định trong pháp luật. Trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Vậy đình công là gì? Đình công hợp pháp khi nào? Trình tự, thủ tục Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công như thế nào? Những thắc mắc pháp lý liên quan sẽ được Luật Thành Đô giải đáp trong bài viết Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019;
– Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015.
II. ĐÌNH CÔNG LÀ GÌ?
Theo Điều 198 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Điều 199 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 quy định người lao động có quyền đình công trong các trường hợp sau:
– Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều 188 của Bộ luật này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải;
– Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
III. ĐÌNH CÔNG HỢP PHÁP KHI NÀO?
Điều 204 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 quy định các trường hợp đình công bất hợp pháp như sau:
– Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
– Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
– Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
– Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
– Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
– Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.
Như vậy, các trường hợp đình công không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 204 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2019 là đình công hợp pháp.
IV. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT TÍNH HỢP PHÁP CỦA CUỘC ĐÌNH CÔNG
Theo Chương XXXI Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 do Quốc hội ban hành ngày 25 tháng 11 năm 2015, trình tự, thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công được quy định như sau:
Bước 1: Người yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải làm đơn yêu cầu gửi Tòa án. Đơn yêu cầu phải có các nội dung chính sau đây:
– Những nội dung quy định tại khoản 2 Điều 362 của Bộ luật này;
– Tên, địa chỉ của tổ chức lãnh đạo cuộc đình công;
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động nơi tập thể lao động đình công.
Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc biên bản hòa giải của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp lao động tập thể, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra đình công có thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Tòa án nhân dân cấp cao có thẩm quyền giải quyết kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh về tính hợp pháp của cuộc đình công trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
Bước 2: Tòa án giải quyết đơn yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Ngay sau khi nhận đơn yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phân công một Thẩm phán chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu, Thẩm phán được phân công chủ trì việc giải quyết đơn yêu cầu phải ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải được gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động, người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp và cơ quan, tổ chức liên quan.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Bước 3: Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công mở phiên xét và ra quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công công bố quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công và tóm tắt nội dung đơn yêu cầu.
Đại diện tổ chức đại diện tập thể lao động và đại diện của người sử dụng lao động trình bày ý kiến của mình.
Thẩm phán chủ trì phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công có thể yêu cầu đại diện cơ quan, tổ chức tham gia phiên họp trình bày ý kiến.
Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
Ngay sau khi kết thúc phiên họp, Kiểm sát viên phải gửi văn bản phát biểu ý kiến cho Tòa án để lưu vào hồ sơ việc dân sự.
Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công thảo luận và quyết định theo đa số. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải nêu rõ lý do và căn cứ để kết luận tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công phải được công bố công khai tại phiên họp và gửi ngay cho tổ chức đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động, Viện kiểm sát cùng cấp. Tập thể lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thi hành quyết định của Tòa án nhưng có quyền kháng cáo; Viện kiểm sát có quyền kháng nghị quyết định đó.
Sau khi quyết định của Tòa án về tính hợp pháp của cuộc đình công được công bố, nếu cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình công và trở lại làm việc.
Bước 4: Trình tự, thủ tục giải quyết kháng cáo, kháng nghị quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công
Ngay sau khi nhận đơn kháng cáo, quyết định kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công, Tòa án nhân dân cấp cao phải có văn bản yêu cầu Tòa án đã xét tính hợp pháp của cuộc đình công chuyển hồ sơ vụ việc để xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, Tòa án đã ra quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công phải chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp cao để xem xét, giải quyết.
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ việc, Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao quyết định thành lập Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công và phân công một Thẩm phán chủ trì việc nghiên cứu hồ sơ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp cao nhận được hồ sơ vụ việc, Hội đồng phúc thẩm phải tiến hành xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công. Quyết định của Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công của Tòa án nhân dân cấp cao là quyết định cuối cùng.
Bài viết cùng chủ đề:
Quy định pháp luật mới về tuổi nghỉ hưu
Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề Thủ tục xét tính hợp pháp của cuộc đình công? Mọi vướng mắc bạn vui lòng liên hệ bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 19001958 để nhận được sự tư vấn hỗ trợ từ Luật Thành Đô.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn