- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 10/12/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Với nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hoá ngày càng tăng cao dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động kinh doanh vận tải. Ngày càng nhiều các nhà đầu tư lựa chọn lĩnh vực này để đầu tư, hàng loạt các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hoá được ra đời. Để giúp quý bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về thành lập công ty kinh doanh vận tải hàng hoá, công ty Luật Thành Đô sẽ đề cập đến nội dung: “Quy định của pháp luật về thành lập công ty kinh doanh vận tải hàng hóa” trong phạm vi bài viết này.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật giao thông đường bộ 2008;
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng kí doanh nghiệp;
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật đường sắt;
– Nghị định 110/2014/NĐ-CP Quy định Điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;
– Nghị định 128/2018/NĐ-CP Sửa đổi, Bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa;
– Nghị định 92/2016/NĐ-CP Quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng;
– Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 92/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của chính phủ quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng và nghị định số 30/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

II. QUY ĐỊNH CHUNG VỀ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HOÁ
Để thành lập công ty vận tải hàng hoá, đầu tiên doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện thành lập một doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, cụ thể:
(1) Điều kiện về đặt tên công ty: Loại hình công ty + tên riêng
+ Không được đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký
+ Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
+ Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
(2) Điều kiện về địa chỉ công ty: trụ sở chính của công ty đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).
*Lưu ý: Khu chung cư với mục đích nhà ở và nhà tập thể không được làm địa chỉ cho công ty
(3) Điều kiện về người đại diện theo pháp luật:
+ Người đại diện theo pháp luật của công ty là cá nhân đại diện cho công ty thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của công ty, đại diện cho công ty với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
+ Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trong đó, phải quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.
+ Phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam.
Bài viết cùng chủ đề: |
III. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH VẬN TẢI HÀNG HOÁ
Kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá thuộc cả 4 lĩnh vực: vận tải đường bộ, vận tải đường thuỷ, vận tải đường sắt và vận tải đường hàng không. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện chung về thành lập một công ty theo quy định của luật doanh nghiệp, mỗi một lĩnh vực có quy định về điều kiện khác nhau. Cụ thể:
3.1. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường bộ
Bên cạnh việc đáp ứng các điều kiện chung về kinh doanh vận tải đường bộ theo quy định tại Điều 67 Luật Giao thông đường bộ 2008, tại điều 14 Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định cụ thể điều kiện kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô gồm:
– Xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa phải thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa với tổ chức, cá nhân hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã
– Trước ngày 01 tháng 7 năm 2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng công-ten-nơ, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch. Thời gian lưu trữ hình ảnh trên xe đảm bảo như sau:
+ Tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500 ki-lô-mét;
+ Tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500 ki-lô-mét.
3.2. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường sắt
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Nghị định 65/2018/NĐ-CP điều kiện kinh doanh vận tải đường sắt phải đủ điều kiện:
– Có bộ phận phụ trách công tác an toàn vận tải đường sắt.
– Có ít nhất 01 người phụ trách công tác an toàn có trình độ đại học về chuyên ngành vận tải đường sắt và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp về quản lý, khai thác vận tải đường sắt.
– Người được giao chịu trách nhiệm chính về quản lý kỹ thuật khai thác vận tải phải có trình độ đại học và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc về khai thác vận tải đường sắt.
3.3. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải đường thuỷ
Căn cứ theo quy định tại điều 10 Nghị định 110/2014/NĐ-CP, điều kiện kinh doanh vận tải hàng hoá bằng đường thuỷ bao gồm:
– Phương tiện phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định; phù hợp với hình thức và phương án kinh doanh.
– Thuyền viên phải có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Thuyền viên phải đủ tiêu chuẩn về sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.
– Thuyền viên, nhân viên phục vụ có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Đối với kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của pháp luật về vận tải hàng hóa nguy hiểm.
– Việc vận chuyển hàng hóa có nguy cơ gây sự cố môi trường phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường
3.4. Điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường hàng không
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định 92/2016/NĐ-CP sủa đổi bổ sung bởi nghị định 89/2019/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá đường hàng không gồm:
– Đáp ứng các điều kiện về phương án bảo đảm có tàu bay khai thác, tổ chức bộ máy, vốn, phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm quy định tại Điều 6, 7, 8, 9 của Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung nghị định 92/2016/NĐ-CP
IV. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ VẬN TẢI HÀNG HOÁ
4.1. Các tài liệu cần chuẩn bị
– Giấy đề nghị đăng ký thành lập công ty kinh doanh vận tải;
– Dự thảo điều lệ công ty;
– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.
– Bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức
4.2. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh vận tải hàng hoá
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân dự định thành lập doanh nghiệp chuẩn bị các tài liệu đã đề cập tại mục 4.1 bài viết. Sau đó, tiến hành nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và đầu tư trực thuộc nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Bước 2: Kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận
Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn từ 3 ngày Sở kế hoạch đầu tư tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ló doanh nghiệp cho doanh nghiệp
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở kế hoạch và đầu tư gửi thông báo bằng văn bản sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 3: Hoàn tất việc đăng kí thành lập công ty
– Treo biển tên công ty
– Kê khai và nộp thuế môn bài
– Mở tài khoản ngân hàng của công ty
– In và phát hành hoá đơn giá trị gia tăng
Bước 4: Xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải
Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng kí thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải. Để công ty được đi vào hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá trong từng lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ hoặc đường hàng không, công ty phải tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải trong từng lĩnh vực cụ thể theo quy định của pháp luật.

Tham khảo các bài viết tại chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
web: Luật Thành Đô
Trên đây là một số tư vấn của công ty Luật Thành Đô liên quan đến “Quy định của pháp luật về thành lập công ty kinh doanh vận tải hàng hóa”.Với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm khi đến với Luật Thành Đô Quý khách sẽ được tư vấn và giải đáp mọi vướng mắc về pháp luật.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn