- Chuyên mục: Tư vấn doanh nghiệp
- Ngày đăng: 29/03/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Thế chấp cổ phần để vay tiền là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Việc sở hữu cổ phần trong công ty mang lại cho cổ đông những quyền và nghĩa vụ nhất định. Cổ phần chính là phần vốn nhỏ nhất của công ty cổ phần, đây là đơn vị biểu hiện quyền sở hữu tài sản trong công ty, là căn cứ pháp lý xác lập tư cách thành viên của công ty.
Theo quy định của Bộ luật dân sự thì cổ phần được coi là một loại tài sản nên cổ đông có đầy đủ những quyền đối với tài sản gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt. Tuy nhiên hiện nay nhiều người vẫn còn thắc mắc có thể dùng cổ phần để thế chấp tài sản hay không? Nếu có thì sẽ được tiến hành như thế nào? Luật Thành Đô sau đây xin tư vấn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13
– Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14

II. CÓ ĐƯỢC THẾ CHẤP CỔ PHẦN ĐỂ VAY TIỀN KHÔNG?
Điều 295 Bộ luật dân sự quy định về điều kiện của tài sản bảo đảm như sau:
– Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.
– Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.
– Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.
– Giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm
Theo đó, điều kiện để tài sản được sử dụng làm tài sản bảo đảm theo pháp luật dân sự là tài sản phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và phải xác định được. Theo đó, cổ phần trong công ty cổ phần là tài sản thuộc quyền sở hữu của cổ đông (quyền sở hữu thể hiện qua cổ phiếu, sổ đăng ký cổ đông của công ty) và xác định được giá trị nên có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm.
Điều 317 Bộ luật dân sự quy định về thế chấp tài sản, theo đó, thế chấp tài sản là việc một bên dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia.
Như vậy, cổ đông được phép thế chấp cổ phần để bảo đảm các nghĩa vụ, trong đó có thế chấp để vay tiền. Khi thế chấp, bên thế chấp không giao tài sản cho bên nhận thế chấp, cổ phần vẫn thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp và tổ chức, cá nhân đó vẫn có các quyền và nghĩa vụ trong công ty cổ phần.
III. XỬ LÝ TÀI SẢN THẾ CHẤP
3.1. Quy định về xử lý tài sản thế chấp
Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự, bên nhận thế chấp cổ phần có quyền xử lý tài sản bảo đảm trong những trường hợp sau:
+ Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
+ Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
+ Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.
Theo đó, khoản 1 Điều 303 Bộ luật dân sự quy định về phương thức xử lý tài sản bảo đảm: Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp sau đây:
+ Bán đấu giá tài sản;
+ Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
+ Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
+ Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trong trường hợp hai bên thỏa thuận áp dụng phương thức nhận tài sản bảo đảm để thay thế cho nghĩa vụ trả nợ thì bên thế chấp sẽ phải tiến hành thủ tục chuyển nhượng cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
3.2. Quy định về chuyển nhượng cổ phần
Thủ tục chuyển nhượng cổ phần được tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp như sau:
Theo khoản 1 điều 127, cổ phần được tự do chuyển nhượng, trừ trường hợp:
– Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông sáng lập dự định chuyển nhượng cổ phần phổ thông thì không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng cổ phần đó.
– Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.
Trường hợp Điều lệ công ty có quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần thì các quy định này chỉ có hiệu lực khi được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng.
Theo quy định trên, ta có thể chia ra các trường hợp sau:
* Trường hợp 1: Người thế chấp không phải là cổ đông sáng lập của công ty và Điều lệ công ty không có hạn chế nào về việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông phổ thông thì người đó có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho bên nhận bảo đảm.
Theo đó, hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, đồng thời đề nghị công ty tiến hành cập nhật thông tin trong sổ đăng ký cổ đông.
Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng cổ phần và bên nhận bảo đảm trở thành cổ đông trong công ty, hai bên tiến hành ký Biên bản thanh lý hợp đồng vay để chấm dứt các quyền và nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng này.
* Trường hợp 2: Người thế chấp là cổ đông sáng lập của công ty và vẫn đang trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, việc chuyển nhượng cổ phần cho cá nhân không phải cổ đông sáng lập sẽ phải được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp Đại hội đồng cổ đông không thông qua thì bên thế chấp và bên nhận thế chấp phải thỏa thuận phương án khác hoặc đợi hết thời hạn 3 năm để được tự do chuyển nhượng cổ phần.
Nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận hoặc đã hết thời hạn 3 năm thì thủ tục được thực hiện như trường hợp 1.
* Trường hợp 3: người thế chấp là cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết mà tiến hành thế chấp cổ phần đó thì không thể tiến hành việc xử lý tài sản bảo đảm, dẫn đến giao dịch thế chấp cổ phần bị vô hiệu.

Bài viết cùng chủ đề Có được thế chấp cổ phần để vay tiền không ?:
Thủ tục mở tài khoản ngân hàng cho công ty mới thành lập
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề thế chấp cổ phần để vay tiền. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn