- Chuyên mục: Tư vấn luật lao động
- Ngày đăng: 28/06/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Khi tham gia thị trường lao động, người lao động cần có những hiểu biết nhất định về pháp luật liên quan đến tiền lương để có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ cung cấp cho các bạn những điều cơ bản nhất người lao động cần biết về tiền lương.
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Lao động 2019
– Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động
II. NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI LAO ĐỘNG CẦN BIẾT VỀ TIỀN LƯƠNG
2.1. Lương thử việc
Điều 26 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
“Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”
Như vậy, trong thời gian thử việc, người lao động được nhận lương ít nhất bằng 85% mức lương của công việc khi làm việc chính thức.
2.2. Mức lương tối tiểu
Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Khoản 1 và khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
1. Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
2. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu.
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với NLĐ làm việc ở doanh nghiệp được quy định như sau:
– 4.420.000 đồng/tháng với doanh nghiệp vùng I.
– 3.920.000 đồng/tháng với doanh nghiệp vùng II.
– 3.430.000 đồng/tháng với doanh nghiệp vùng III.
– 3.070.000 đồng/tháng với doanh nghiệp vùng IV.
Như vậy, mức lương theo công việc hoặc chức danh do người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nêu trên.

2.3. Trả lương chậm từ 15 ngày trở lên, người sử dụng lao động phải trả thêm tiền cho người lao động
Khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Như vậy:
– Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.
– Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
2.4. Lương làm thêm giờ, làm việc ban đêm, làm thêm ngày lễ tết
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm được quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
* Người lao động làm thêm giờ: được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
– Ngày thường: ít nhất bằng 150%;
– Ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200%;
– Ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương: ít nhất bằng 300% (chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với NLĐ hưởng lương ngày).
* Người lao động làm việc vào ban đêm: được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
* Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm: ngoài việc trả lương như trên (lương làm thêm giờ và lương làm ban đêm) còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
2.5. Thanh toán tiền phép năm chưa nghỉ
Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Trong trường hợp người lao động vẫn làm việc cho người sử dụng lao động nhưng chưa nghỉ hết phép năm của năm trước thì không được người sử dụng lao động thanh toán tiền cho những ngày chưa nghỉ.

Bài viết cùng chủ đề:
Những trường hợp không được buộc người lao động thôi việc
Quy định pháp luật về thử việc và hợp đồng thử việc
Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề Tổng hợp những điều người lao động cần biết về tiền lương, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn