Hiện nay, dịch bệnh Covid 19 đang bùng phát mạnh mẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn cản trở hoạt động mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp. Trong khoảng thời gian khó khăn này, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang băn khoăn tiếp tục kinh doanh hay tạm ngừng kinh doanh.

Trong trường hợp tạm ngừng hoạt động, doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục gì? Nhằm giải đáp các thắc mắc trên cho Quý khách, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết Quy trình tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

Luật Doanh nghiệp 2020;

Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT Hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;

II. KHÁI NIỆM

2.1 Khái niệm về tạm ngừng kinh doanh

Tạm ngừng kinh doanh có thể hiểu là trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định, và sau khoảng thời gian tạm ngừng đó, doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động bình thường.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể tạm ngừng kinh doanh nhiều lần nhưng thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá 01 năm.

Trong thời gian doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn phải nộp đủ số thuế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn nợ; phải tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp, chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.

Sau khi hết thời hạn tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kinh doanh thì phải gửi thông báo tiếp tục kinh doanh cho phòng đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính để phòng đăng ký kinh doanh mở lại hoạt động cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, pháp luật cũng cho phép doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nếu doanh nghiệp có nhu cầu tiếp tục kinh doanh trước thời hạn.

Quy trình tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp (ảnh minh họa)
Quy trình tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp (ảnh minh họa)

2.2. Các trường hợp tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp

Theo quy định tại điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có thể bị tạm ngừng hoạt động trong những trường hợp sau:

-Theo quyết định của doanh nghiệp do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không tìm được khách hàng, do dịch bệnh, …

– Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước khi cơ quan nhà nước phát hiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không đáp ứng đủ các điều kiện tiếp cận thị trường đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện hoặc doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về quản lý thuế, môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Đình chỉ, chấm dứt hoạt động trong một số ngành, nghề theo quyết định của tòa án.

III. QUY TRÌNH TẠM NGỪNG KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP

3.1. Danh mục hồ sơ tạm ngừng kinh doanh

Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh gồm các đầu mục sau:

(1) Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp (theo mẫu tại Phụ lục II-19 ban hành kèm Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT);

(2) Quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH thành viên trở lên), Quyết định và bản sao biên bản họp hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần); quyết định của chủ sở hữu công ty (đối với công ty TNHH một thành viên) về việc tạm ngừng kinh doanh.

3.2. Trình tự thực hiện thủ tục tạm ngừng kinh doanh

Doanh nghiệp làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh cần thực hiện theo các bước sau:

– Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ nộp qua mạng điện tử hoặc nộp trực tiếp tại bộ phận 1 cửa của Phòng đăng ký kinh doanh- Sở kế hoạch đầu tư nơi Doanh nghiệp đặt địa chỉ trụ sở chính.

– Bước 2: Phòng đăng ký kinh doanh xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ Phòngđăng ký kinh doanh ra thông báo về việc tạm ngừng kinh doạnh.

Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.

3.3. Quy trình tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Bước 1: Cơ quan có thẩm quyền quản lý doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài gửi văn bản thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh về việc nhà đầu tư không đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phòng Đăng ký kinh doanh ra thông báo yêu cầu doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đồng thời cập nhật tình trạng “tạm ngừng kinh doanh” của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và công bố trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Trình tự thủ tục và hồ sơ giải thể công ty cổ phần

Trình tự thủ tục sáp nhập doanh nghiệp

Trên đây là những tư vấn của Luật Thành Đô về quy trình tạm ngừng hoạt động của doanh nghiệp. Nếu Quý khách có nhu cầu tạm ngừng nhưng lại gặp khó khăn trong việc làm thủ tục, vui lòng liên hệ với chúng tôi để nhận được sự hỗ trợ nhanh chóng, chính xác từ đội ngũ luật sư uy tín, giàu kinh nghiệm.

Đánh giá bài viết này