Kinh doanh du lịch là một trong số các lĩnh vực phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam, các gia đình Việt hiện nay ngày càng quan tâm và chú trọng đầu tư cho nhu cầu du lịch, tìm hiểu, khám phá các nền văn hóa mới. Kinh doanh trong lĩnh vực du lịch có rất nhiều cách thức khác nhau tuy nhiên đa phần sẽ chọn một trong hai hình thức là lữ hành nội địa hoặc lữ hành quốc tế. Để Quý độc giả nắm được các điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: “Điều kiện thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa”

thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa
Thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

– Luật du lịch số 09/2017/QH14;

– Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;

– Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;

– Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOAN LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

2.1. Điều kiện về tài chính của công ty kinh doanh lữ hành nội địa

Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định về việc ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:

“1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 (một trăm triệu) đồng.

Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ bằng đồng Việt Nam tại ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng nhận ký quỹ phù hợp với quy định của pháp luật. Tiền ký quỹ phải được duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.”

Theo đó, khi doanh nghiệp muốn kinh doanh dich vụ lữ hành nội địa cần phải ký quỹ tại ngân hàng. Mức ký quỹ cụ thể kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 100.000.000 VNĐ.

2.2 Điều kiện về nhân sự khi thành lập công ty kinh doanh lữ hành nội địa

Điểm c khoản 1 điều 31 Luật du lịch quy định về nhân sự phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:

“c) Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.”

Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn về chuyên ngành lữ hành được chấp thuận bao gồm:

– Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

– Quản trị lữ hành;

– Điều hành tour du lịch;

– Marketing du lịch;

– Du lịch;

– Du lịch lữ hành;

– Quản lý và kinh doanh du lịch;

– Quản trị du lịch MICE;

– Đại lý lữ hành;

– Hướng dẫn du lịch;

Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực; Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.

Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.

Theo quy định này, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa phải tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành về lữ hành nói trên trở lên hoặc phải tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác trở lên và có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa, mới đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật khi xin giấy phép lữ hành nội địa.

Ngoài ra doanh nghiệp muốn kinh doanh dich vụ lữ hành nội địa cần phải đăng ký hoạt động kinh doanh ngành nghề lữ hành nội địa và được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Cụ thể doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cần đăng ký kinh doanh ngành nghề như sau:

STT Tên ngành nghề Mã ngành
1 Đại lý du lịch 7911
2 Điều hành tua du lịch

Chi tiết: Kinh doanh dịch vụ lữ hành (Theo điều 31 Luật du lịch 2017)

7912

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH DỊCH VỤ LỮ HÀNH NỘI ĐỊA

3.1. Thành phần hồ sơ xin cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa:

Khoản 1 điều 32 Luật du lịch 2017 quy định về thành phần hồ sơ xin cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa thì doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cần chuẩn bị hồ sơ gồm các thành phần sau:

– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định ;

– Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

– Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: Giấy chứng nhận của ngân hàng nơi doanh nghiệp tiến hành ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;

– Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa;

– Hồ sơ nhân lực của cá nhân phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: Hồ sơ nhân lực bao gồm bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành du lịch; chứng chỉ điều hành du lịch lữ hành nội địa.

xin giay phep kinh doanh lu hanh quoc te
Xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

3.2. Trình tự xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa

Doanh nghiệp xin cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa chuẩn bị đầy đủ 01 bộ hồ sơ và nộp tới bộ phần một cửa của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch sẽ kiểm tra và thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ Sở Văn hóa thể thao và Du lịch sẽ cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Sau khi có thông báo được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp tới bộ phận một cửa Sở Văn hóa thể thao và Du lịch để nhận giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Lưu ý: Theo khoản 1 điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC thì mức phí cấp mới giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 3.000.000 (Ba triệu đồng Việt Nam).

5 lý do nên dử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên dử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Bài viết tham khảo: Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế

Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa

Chuyên mục tham khảo: Giấy phép lữ hành

Trên đây là toàn bộ điều kiện thành lập công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa. Nếu Quý độc giả còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục thành lập công ty lữ hàng nội địa, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)