Kinh doanh dịch vụ ăn uống là một trong những lĩnh vực mang lại tỉ suất lợi nhuận cực kỳ cao tại Việt Nam hiện nay. Nắm bắt được xu thế đó, hàng loạt nhà đàu tư nước ngoài đã đầu tư vốn mạnh mẽ vào Việt Nam để hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống. Để các nhà đầu tư có cách hiểu rõ ràng nhất về thủ tục thành lập nhà hàng tại Việt Nam Luật Thành Đô xin giới thiệu bài viết: Thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

– Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

– Biểu cam kết thương mại dịch vụ của Việt Nam trong WTO;

– Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài
Thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài

II. PHƯƠNG ÁN THÀNH LẬP NHÀ HÀNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Theo cam kết của Việt Nam với WTO, từ tháng 01/2015, việc thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài không cần phải đi kèm với các dự án khách sạn, vì thế nhà đầu tư nước ngoài có thể tự do thành lập nhà hàng tại Việt Nam sau khi đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập xong doanh nghiệp. Như vậy trình tự để thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ thực hiện như sau:

Bước 1: Xin giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư

Bước 2: Thành lập nhà hàng và xin các giấy phép con liên quan đến hoạt động của nhà hàng

III. HỒ SƠ, TRÌNH TỰ THỦ TỤC THÀNH LẬP NHÀ HÀNG CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

3.1. Xin giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lĩnh vực kinh doanh nhà hàng

Căn cứ khoản 1 điều 37 Luật đầu tư năm 2020 quy định về các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:

“Điều 37. Trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:

a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;

b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.

Theo đó, trước khi thành lập doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư để được phép đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Về thành phần hồ sơ, hiện nay Luật đầu tư năm 2020 mới có hiệu lực nên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về thành phần hồ sơ, vì vậy hiện nay các bên vẫn căn cứ vào quy định về thành phần hồ sơ tại Luật đầu tư năm 2014 để triển khai cấp Giấy chứng nhận đầu tư, hồ sơ bao gồm những thành phần sau:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

– Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;

– Đề xuất dự án đầu tư bao gồm các nội dung: nhà đầu tư thực hiện dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án;

– Bản sao một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

– Bản sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu khác xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ như trên nhà đầu tư tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công ty đặt trụ sở. Trường hợp công ty kinh doanh nhà hàng đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu chiết xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thì nộp hồ sơ trực tiếp tại Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chiết xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho doanh nghiệp.

3.2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho công ty kinh doanh nhà hàng

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư để thành lập công ty kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam.

Thành phần hồ sơ thành lập công ty kinh doanh nhà hàng bao gồm:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên)/ Danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

– Thông báo sử dụng mẫu con dấu (thông báo sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký doanh nghiệp).

Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ gồm các thành phần trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở. Sau thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ Phòng đăng ký kinh doanh sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho công ty kinh doanh nhà hàng.

Sau khi thành lập xong doanh nghiệp, nhà đầu tư cần phải xin các giấy phép liên quan đến hoạt động của nhà hàng như Giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; Chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy (tùy vào quy mô nhà hàng cần phải xin cấp phép); Giấy phép an ninh trật tự; Giấy phép bán rượu tiêu dùng tại chỗ (trong trường hợp nhà hàng có bán rượu cho khách hàng);…

3.3. Thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài và xin cấp các giấy phép con liên quan đến hoạt động kinh doanh của nhà hàng

Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tiến hành thành lập nhà hàng và xin cấp các giấy phép con liên quan, bao gồm các giấy phép như giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, giấy phép an ninh trật tự, giấy phép phòng cháy chữa cháy.

– Đối với thủ tục xin cấp Giấy Chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm:

+ Hồ sơ xin cấp Giấy Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm:

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

(2) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(3) Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm;

(4) Giấy xác nhận đủ sức khoẻ của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;

(5) Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

+ Cơ quan giải quyết: Sở Y tế.

+ Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Y tế kiểm tra thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nếu đủ điều kiện thì phải cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

– Đối với thủ tục xin cấp giấy phép an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy cho cơ sở kinh doanh nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài: Hiện nay pháp luật cũng quy định cụ thể về các điều kiện liên quan đến giấy phép này, theo đó cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần đáp ứng các điều kiện để đảm bảo phòng cháy chữa cháy, đảm bảo an ninh trật tự trong quá trình cung cấp dịch vụ.

– Ngoài ra, trường hợp thành lập nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ cũng cần phải tiến hành thủ tục pháp lý liên quan để đủ điều kiện cấp phép đối với hoạt động này.

Bài liên quan:

Hồ sơ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

công ty có vốn đầu tư nước ngoài về giáo dục

Trên đây là toàn bộ trình tự, thủ tục mở nhà hàng có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu Quý độc giả còn bất cứ vướng mắc nào liên quan đến thủ tục này, xin vui lòng liên hệ với công ty Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (3 bình chọn)