Giáo dục luôn là vấn đề mà mỗi quốc gia đều quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, nhà nước ta thường xuyên có những chính sách nhằm khuyến khích‚ tạo điều kiện không chỉ cho những nhà đầu tư trong nước mà đối với cả các nhà đầu tư nước ngoài có mong muốn mở rộng thị trường kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam. Do đó, thủ tục để thành lập một công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng khiến các nhà đầu tư và doanh nghiệp vô cùng quan tâm. Để giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về vấn đề này, Luật Thành Đô xin gửi đến bài viết “Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài về giáo dục”.

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài về giáo dục
Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài về giáo dục

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14;

– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;

– Luật giáo dục số 43/2019/QH14;

– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

– Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2018 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;

– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;

– Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;

– Văn bản pháp lý khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỀ GIÁO DỤC

2.1. Vốn đầu tư

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.

– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.

– Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.

– Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định ở trên.

2.2. Cơ sở vật chất, thiết bị

(1) Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn

– Có phòng học phù hợp về ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy;

– Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm ở mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/người học đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn;

– Có văn phòng của ban giám đốc, lãnh đạo, phòng giáo viên, thư viện và các phòng chức năng khác.

(2) Đối với cơ sở giáo dục mầm non:

– Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số nhóm lóp, số trẻ với bình quân ít nhất 08 m2/trẻ đối với khu vực thành phố, thị xã và 12 m2/trẻ đối với khu vực nông thôn;

– Có phòng học, phòng ngủ của trẻ và các phòng chức năng phù hợp về diện tích, ánh sáng, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng chăm sóc và giáo dục trẻ;

– Có văn phòng nhà trường, phòng ban giám hiệu, phòng hành chính quản trị, phòng y tế, phòng bảo vệ, phòng dành cho nhân viên phù hợp về diện tích, trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ;

– Có hệ thống nước sạch, hệ thống thoát nước, phòng vệ sinh phù hợp, có thiết bị vệ sinh bảo đảm an toàn, sạch sẽ, đáp ứng mọi sinh hoạt của trường;

– Có nhà bếp được tổ chức theo quy trình hoạt động một chiều với các thiết bị, đồ dùng phù hợp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nếu trường tổ chức nấu ăn cho trẻ;

– Có sân chơi, tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

– Trong khu vực trường có cây xanh. Toàn bộ các thiết kế xây dựng và trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của trường phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ.

(3) Đối với cơ sở giáo dục phổ thông:

– Trường tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt. Diện tích mặt bằng xây dựng trường được xác định trên cơ sở số lớp, số học sinh và đặc điểm vùng miền, với mức bình quân ít nhất là 06 m2/học sinh đối với khu vực thành phố, thị xã và 10 m2/học sinh đối với khu vực nông thôn;

– Có diện tích dùng cho học tập, giảng dạy bảo đảm mức bình quân ít nhất là 2,5 m2/học sinh;

– Có văn phòng nhà trường, ban giám hiệu, phòng giáo viên, phòng họp phù hợp;

– Có phòng học bộ môn (đối với trường trung học cơ sở và trường trung học phổ thông), thư viện, bàn ghế, thiết bị, đồ dùng giảng dạy, bảo đảm các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Có phòng tập thể dục đa năng, phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tin học, phòng hỗ trợ giáo dục học sinh tàn tật, khuyết tật học hòa nhập, phòng y tế học đường. Có nhà ăn, phòng nghỉ trưa nếu tổ chức học bán trú;

– Có hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh phù hợp với quy mô của cơ sở giáo dục, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường. Có tường bao quanh khu vực trường, có cổng trường với biển trường ghi rõ tên trường theo quy định “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;

(4) Đối với cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam:

– Diện tích đất để xây dựng trường đạt bình quân ít nhất 25 m2/sinh viên tại thời điểm có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch phát triển nhà trường;

– Diện tích xây nhà bình quân ít nhất là 09 m2/sinh viên, trong đó diện tích học tập ít nhất là 06 m2/sinh viên, diện tích nhà ở và sinh hoạt của sinh viên ít nhất là 03 m2/sinh viên;

– Có đủ số giảng đường, phòng học, phòng chức năng phù hợp và đáp ứng yêu cầu đào tạo theo ngành và phương thức tổ chức đào tạo;

– Có đủ phòng làm việc, khu hành chính và ban giám hiệu bảo đảm đáp ứng được cơ cấu tổ chức phòng, ban, khoa, bộ môn chuyên môn, bảo đảm diện tích ít nhất là 08 m2/người;

– Có hội trường, thư viện, cơ sở thí nghiệm, thực tập, thực hành và các cơ sở vật chất khác đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo và hoạt động khoa học – công nghệ;

– Có nhà ăn, các công trình xây dựng phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa và các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên và sinh viên;

– Có khu công trình kỹ thuật, nhà để xe ô tô, xe máy, xe đạp.

(5) Thuê cơ sở vật chất:

Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thuê cơ sở vật chất ổn định theo chu kỳ thời gian ít nhất 05 năm và phải bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng quy định nêu trên

Mau giay phep dau tu 2021 2
Giấy phép đầu tư năm 2021

2.3. Chương trình giáo dục

– Chương trình giáo dục thực hiện tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải thể hiện mục tiêu giáo dục, không có nội dung gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng; không truyền bá tôn giáo, xuyên tạc lịch sử; không ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và phải bảo đảm điều kiện liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo.

– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được tổ chức giảng dạy:

+ Chương trình giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông của nước ngoài đối với cơ sở giáo dục mầm non; Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).

+ Chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn của nước ngoài; chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ của nước ngoài trong khuôn khổ các liên kết đào tạo với nước ngoài.

2.4. Đội ngũ nhà giáo

(1) Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn:

– Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng hoặc tương đương, có ngành đào tạo phù hợp với chuyên môn được phân công giảng dạy;

– Tỷ lệ học viên/giáo viên quy đổi tối đa là 25 học viên/giáo viên.

(2) Đối với cơ sở giáo dục mầm non:

– Giáo viên ít nhất phải có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non hoặc tương đương;

– Số trẻ em tối đa trong 01 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:

+ Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ: Trẻ em 03 – 12 tháng tuổi: 15 trẻ em/nhóm; Trẻ em 13 – 24 tháng tuổi: 20 trẻ em/nhóm; Trẻ em 25 – 36 tháng tuổi: 25 trẻ em/nhóm.

+ Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo: Trẻ em 03 – 04 tuổi: 25 trẻ em/lóp; Trẻ em 04 – 05 tuổi: 30 trẻ em/lớp; Trẻ em 05 – 06 tuổi: 35 trẻ em/lớp.

– Số lượng giáo viên trong 01 nhóm hoặc lớp được quy định như sau:

+ Đối với trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ: 05 trẻ em/giáo viên;

+ Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo: 10 – 12 trẻ em/giáo viên.

(3) Đối với cơ sở giáo dục phổ thông:

– Giáo viên ít nhất phải có trình độ đại học sư phạm hoặc tương đương;

– Số lượng giáo viên ít nhất phải bảo đảm tỷ lệ: 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học, 1,95 giáo viên/lớp đối với trường trung học cơ sở và 2,25 giáo viên/lớp đối với trường trung học phổ thông;

– Số lượng học sinh/lớp không vượt quá 30 học sinh/lớp đối với trường tiểu học, 35 học sinh/lớp đối với trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

(4) Đối với cơ sở giáo dục đại học:

– Giảng viên ít nhất phải có trình độ thạc sĩ trở lên trong đó tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ không ít hơn 50% tổng số giảng viên, trừ những ngành đào tạo đặc thù do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định;

– Tỷ lệ sinh viên/giảng viên tối đa là 10 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo năng khiếu, 15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học kỹ thuật và công nghệ, 25 sinh viên/giảng viên đối với các ngành đào tạo khoa học xã hội, nhân văn và kinh tế – quản trị kinh doanh;

– Cơ sở giáo dục phải có đủ số lượng giảng viên cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành đào tạo;

– Giảng viên là người nước ngoài giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học trong cùng lĩnh vực giảng dạy trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

– Giảng viên là người bản ngữ nước ngoài dạy kỹ năng ngoại ngữ tại cơ sở giáo dục đại học phải có bằng đại học trở lên và có chứng chỉ giảng dạy ngoại ngữ phù hợp.

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VỀ GIÁO DỤC

3.1. Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Bước 1: Chuẩn bị 01 hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các tài liệu sau:

(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

(6) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư

– Sở kế hoạch và Đầu tư nơi dự kiến đặt trụ sở chính

Bước 3: Lấy ý kiến thẩm định sở ban ngành

Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ lấy ý kiến sở giáo dục và đào tạo và các sở ban ngành liên quan (nếu cần thiết)

Bước 4: Nhận kết quả

Sau khi nhận được ý kiến của các Sở ban ngành, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ

3.2. Thành lập công ty hoạt động giáo dục

Bước 1: Nhà đầu tư sau khi đã xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau:

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;

(4) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;

(4) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

(5) Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục.

Lưu ý: Một số ngành nghề liên quan đến hoạt động giáo dục

MÃ NGÀNH NGÀNH NGHỀ
8511 Giáo dục nhà trẻ
8512 Giáo dục mẫu giáo
8521 Giáo dục tiểu học
8522 Giáo dục trung học cơ sở
8523 Giáo dục trung học phổ thông
8533 Đào tạo cao đẳng
8541 Đào tạo đại học
8559 Giáo dục khác chưa đc phân vào đâu

Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan có thẩm quyển giải quyết hồ sơ là Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

Bước 3: Giải trình, cung cấp các tài liệu khác (nếu có)

Bước 4: Nhận kết quả

Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ.

3.3. Xin cấp phép thành lập cơ sở hoạt động giáo dục

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp phép thành lập cơ sở giáo dục

Hồ sơ bao gồm những tài liệu sau đây:

(1) Đối với cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập, hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo Mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP;

– Đề án thành lập cơ sở giáo dục theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong đó xác định rõ: Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; phạm vi hoạt động giáo dục; văn bằng, chứng chỉ sẽ cấp; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành. Dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn, trong đó làm rõ khả năng đáp ứng các nội dung bảo đảm chất lượng giáo dục quy định tại các Điều 36, 37 và 38 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP;

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận việc thành lập cơ sở giáo dục tại địa phương và chấp thuận về nguyên tắc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở giáo dục dự kiến thành lập hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê đất hoặc cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP;

– Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Điều 35 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

(2) Đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ bao gồm:

– Đơn đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại mục (1)

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

– Đề án thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại mục (1);

– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của văn bản chấp thuận cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 36 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP và các giấy tờ pháp lý liên quan;

– Kế hoạch về cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục hoặc dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bao gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục;

– Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Điều 35 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Bước 2: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:

Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: cơ sở giáo dục đại học; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị cho phép thành lập;

– Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập: Cơ sở giáo dục mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trừ cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế liên chính phủ đề nghị cho phép thành lập.

Bước 3: Thẩm định và trả kết quả

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và gửi hồ sơ xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan;

– Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc qua thư điện tử cho nhà đầu tư;

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn xin ý kiến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cơ quan, đơn vị được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời;

– Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ lập báo cáo thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP;

– Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

3.4. Xin cấp giấy phép hoạt động giáo dục

Bước 1: Nhà đầu tư chuẩn bị một bộ hồ sơ xin cấp phép hoạt động giáo dục

Hồ sơ bao gồm những tài liệu sau đây:

(1) Đơn đăng ký hoạt động giáo dục theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

(2) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của quyết định cho phép thành lập đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài.

(3) Quy chế tổ chức, hoạt động của cơ sở giáo dục.

(4) Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện.

(5) Báo cáo giải trình về việc cơ sở giáo dục hoặc phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học đã đáp ứng các nội dung quy định, đồng thời gửi kèm:

– Danh sách hiệu trưởng (giám đốc), phó hiệu trưởng (phó giám đốc), trưởng các khoa, phòng, ban và kế toán trưởng. Đối với hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục của phân hiệu cơ sở giáo dục đại học, cần bổ sung danh sách cán bộ phụ trách phân hiệu và cơ cấu, bộ máy tổ chức của phân hiệu;

– Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng);

– Mô tả cấp học, trình độ đào tạo, ngành đào tạo;

– Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính;

– Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh;

– Quy chế đào tạo;

– Quy mô đào tạo (học sinh, sinh viên, học viên);

– Các quy định về học phí và các loại phí liên quan;

– Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo;

– Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.

Bước 2: Nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động trực tiếp hoặc qua bưu điện đến:

– Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài;

– Sở giáo dục và đào tạo đối với hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế liên chính phủ thành lập.

Bước 3: Thẩm định hồ sơ và trả kết quả

– Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép hoạt động theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP.

Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư.

Trường hợp cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.

LƯU Ý: Sau thời hạn 02 năm đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học); 04 năm đối với cơ sở giáo dục đại học kể từ ngày quyết định cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục không được cho phép hoạt động giáo dục thì quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục hết hiệu lực.

Bài viết cùng chủ đề:

thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

công ty có vốn nước ngoài kinh doanh vận tải biển

Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô liên quan đến vấn đề Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài về giáo dục. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp chi tiết.

Đánh giá bài viết này