Theo Luật doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng con dấu doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại quy định mới trong Luật doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định về việc thông báo mẫu dấu, theo đó kể từ 01/01/2021 điều luật sửa đổi này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết kiệm thời gian cũng như kinh phí nhờ giảm tải được một phần thủ tục hành chính.

Bài viết “Thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2021”của Luật Thành Đô sẽ cung cấp cụ thể những thay đổi trong quy định mới về con dấu doanh nghiệp theo luật hiện hành.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật doanh nghiệp năm 2020;

– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;

– Nghị định số 122/2020/NĐ-CP về liên thông các thủ tục về khởi sự kinh doanh;

– Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT về hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;

– Các văn bản pháp luật có liên quan.

Thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2021
Thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2021

II. THÔNG BÁO MẪU CON DẤU CỦA DOANH NGHIỆP THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP 2021

– Trước đây, doanh nghiệp muốn sử dụng con dấu trong hoạt động kinh doanh cần làm hồ sơ, thủ tục thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh theo quy định. Doanh nghiệp nộp thông báo sử dụng mẫu con dấu lên cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, sau khi hồ sơ được phê duyệt, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng tải mẫu con dấu của doanh nghiệp lên công thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Hoàn thành các bước này, con dấu của doanh nghiệp mới chính thức có hiệu lực.

– Điều 43 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp:

Điều 43. Dấu của doanh nghiệp

1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.

3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.

Như vậy, điều luật này đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp lên cơ quan đăng ký kinh doanh trước khi sử dụng theo như quy định tại Luật doanh nghiệp năm 2014. Kèm theo đó là các bước thông báo về sự thay đổi hay hủy bỏ con dấu của doanh nghiệp cũng được miễn hoàn toàn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp được bổ sung thêm một số quyền hạn về con dấu của mình như được quyền quyết định về số lượng, loại dấu, nội dung dấu, hình thức. Quy định hiện hành cho phép doanh nghiệp được tự do quyết định về con dấu của mình.

Doanh nghiệp cũng có thể sử dụng chữ ký số thay cho các con dấu được làm tại cơ sở khắc dấu.

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP

Doanh nghiệp sẽ tiến hành khắc dấu ngay sau khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và được cấp mã số doanh nghiệp. Vậy thủ tục thành lập doanh nghiệp được tiến hành như thế nào?

Để quý khách hàng nắm rõ hơn về thủ tục thành lập doanh nghiệp, dưới đây Luật Thành Đô sẽ chia sẻ về trình tự thủ tục, hồ sơ cần theo quy định của pháp luật hiện hành.

3.1. Trình tự, thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Người thành lập doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ đăng ký thành lập mới.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo một trong ba phương thức sau đây:

– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.

– Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.

– Nộp hồ sơ qua mạng thông tin điện tử.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong vòng 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải có văn bản thông báo về nội dung cần sửa đổi hoặc bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp.

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp không được chấp thuận, Cơ quan đăng ký kinh doanh từ chối đăng ký doanh nghiệp thì cần có văn bản thông báo và nêu rõ lí do cho người thành lập doanh nghiệp.

Bước 4: Nhận kết quả

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp có thể nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính.

3.2. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

– Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tư nhân

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

– Hồ sơ đăng ký công ty hợp danh

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách thành viên;

(4) Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên;

(5) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

– Hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách thành viên;

(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

– Hồ sơ đăng ký công ty cổ phần

(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài;

(4) Bản sao các giấy tờ sau đây:

+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

+ Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

+ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư

Quý khách hàng tham khảo bài viết trên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hướng dẫn và giải đáp tận tình.

5/5 - (4 bình chọn)