Việt Nam hiện nay với nền kinh tế đang phát triển, trở thành một trong những thị trường hấp dẫn để các nhà đầu tư và doanh nghiệp tập trung kinh doanh và phát triển. Chính bởi lẽ đó nên việc mở rộng quy mô hoạt động, thành lập địa điểm kinh doanh là điều tất yếu với nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.

Hiện nay pháp luật quy định doanh nghiệp được kinh doanh tại nhiều địa điểm đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, địa điểm kinh doanh sẽ được thành lập theo trình tự thế nào, hồ sơ bao gồm những gì? Để làm rõ hơn vấn đề này, Luật Thành Đô xin giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết: “Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật Doanh nghiệp năm 2020;

– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

– Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp;

– Thông tư số 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;

– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

thành lập địa điểm kinh doanh (ảnh minh họa)
thành lập địa điểm kinh doanh (ảnh minh họa)

II. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH HIỆN NAY

Vấn đề thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay được pháp luật quy định như sau:

– Theo quy định tại Khoản 3 Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“3. Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể”.

– Đồng thời tại Điểm a Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ- CP về đăng ký doanh nghiệp có quy định:

“a) Doanh nghiệp có thể lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh”

Như vậy hiện nay doanh nghiệp khi thành lập địa điểm kinh doanh có thể thành lập địa điểm kinh doanh ngoài tỉnh, thành phố khác với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, chi nhánh.

– Địa điểm kinh doanh có thể đăng ký trực thuộc doanh nghiệp hoặc trực thuộc chi nhánh.

III. THỦ TỤC THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH HIỆN NAY

3.1. Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay

Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp quy định trình tự, thủ tục đăng ký lập địa điểm kinh doanh, theo đó doanh nghiệp tiến hành lập địa điểm kinh doanh theo trình tự như sau:

Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ và các giấy tờ liên quan về việc đăng ký thành lập địa điểm kinh doanh

Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh.

Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh.

Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh, cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho doanh nghiệp;

Bước 4: Doanh nghiệp nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh tại Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh hoặc đăng ký nhận kết quả qua dịch vụ chuyển phát của Bưu điện.

3.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ;

3.3. Thời gian giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ;

3.4. Lệ phí:

Lệ phí đăng ký trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh: 50.000 nghìn đồng/lần. Theo Thông tư 47/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;

Miễn lệ phí đối với hồ sơ đăng ký qua mạng điện tử.

IV. HỒ SƠ THÀNH LẬP ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH HIỆN NAY

Hồ sơ thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay bao gồm những loại giấy tờ sau:

(1) Thông báo về việc đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh (theo mẫu quy định tại phụ lục II-7 Ban hành kèm theo Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp);

Thông báo lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh;

(2) Văn bản ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp (nếu có).

V. MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐẶT TÊN ĐỊA ĐIỂM KINH DOANH

Theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp năm 2020, quy định về tên địa điểm kinh doanh như sau:

– Tên địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu;

– Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Địa điểm kinh doanh” ;

– Tên địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở địa điểm kinh doanh.

5 ly do nen du dung dich vu phap ly cua luat thanh do scaled
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết liên quan:

Thủ tục thành lập chi nhánh nước ngoài

Vốn pháp định là gì? Các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định

Quy định pháp luật về tạm ngừng kinh doanh công ty

Trên đây là bài tư vấn của Luật Thành Đô về vấn đề: “Thủ tục thành lập địa điểm kinh doanh hiện nay”. Nếu quý bạn đọc còn bất kỳ vướng mắc, băn khoăn nào liên quan đến vấn đề này xin liên hệ với Luật Thành Đô để được hướng dẫn và giải đáp chi tiết.

5/5 - (1 bình chọn)