- Chuyên mục: Giấy phép trung tâm ngoại ngữ
- Ngày đăng: 26/10/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Ngoại ngữ ngày càng giữ một vai trò hết sức quan trọng trong việc hội nhập, xóa bỏ các rào cản giữa các quốc gia, khu vực với nhau. Do đó, việc mở trung tâm ngoại ngữ được các nhà đầu tư quan tâm ngày càng nhiều, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu biết và nắm rõ trình tự mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài. Hiểu rõ vấn đề mà các nhà đầu tư và khách hàng đang gặp phải trong quá trình mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài, trong bài viết này, Luật Thành Đô xin đưa ra những tư vấn về “Trình tự mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài.”
I. CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ TRÌNH TỰ MỞ TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
– Luật doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Luật giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019;
– Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;
– Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục;
– Nghị định 86/2018/NĐ- CP ngày 06 tháng 06 năm 2018 quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
– Nghị định số 135/2018/NĐ-CP Hà Nội, ngày 04 tháng 10 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2017 của chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục
– Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2018 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ tin học;
– Các văn bản pháp lý khác có liên quan.
II. TRÌNH TỰ MỞ TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI
2.1. Điều kiện để mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài
– Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học xác định rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.
2.2. Trình tự mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài
Bước 1. Thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
(1) Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư, bao gồm các văn bản, giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;
– Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Nhà đầu tư là tổ chức cần nộp bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương khác. Nhà đầu tư là cá nhân cần nộp bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, lý lịch cá nhân; nhà đầu tư là cá nhân người nước ngoài nộp bổ sung lý lịch tư pháp;
– Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;
– Giải trình kinh tế – kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: Mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định pháp luật; giải pháp về công nghệ và môi trường; kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có);
– Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục;
– Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định tại Nghị định 86/2018/ NĐ- CP ngày 06 tháng 06 năm 2018 quy định về hợp tác đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục;
(2) Nơi nộp hồ sơ: Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
(3) Thời hạn giải quyết: 15 – 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
(4) Kết quả: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Bước 2: Thực hiện thủ tục thành lập cơ sở giáo dục dưới hình thức trung tâm ngoại ngữ
(1) Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ:
– Hồ sơ đề nghị cho phép thành lập trung tâm đào tạo ngoại ngữ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam:
+ Văn bản đề nghị cho phép thành lập cơ sở giáo dục;
+ Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đầu tư;
+ Đề án chi tiết thành lập cơ sở giáo dục, trong đó xác định rõ:
(i) Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; phạm vi hoạt động giáo dục; văn bằng, chứng chỉ sẽ cấp; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;
(ii) Dự kiến cụ thể kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn, trong đó làm rõ khả năng đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định pháp luật.
(iii) Văn bản chấp thuận giao đất hoặc cho thuê đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp phải xây dựng cơ sở vật chất (trong đó xác định rõ địa chỉ, diện tích, mốc giới của khu đất) và thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định pháp luật và các giấy tờ pháp lý liên quan;
+ Dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, gồm phần thuyết minh và thiết kế chi tiết cơ sở giáo dục đối với trường hợp phải xây dựng cơ sở vật chất;
+ Văn bản chứng minh năng lực tài chính theo mức quy định tại Nghị định 86/2018/NĐ-CP.
(2) Nơi nộp hồ sơ: Sở giáo dục và đào tạo
(3) Thời gian xử lý hồ sơ: 60 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đầy đủ giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu.
(4) Số lượng: Nhà đầu tư làm 06 bộ hồ sơ, trong đó có 01 bộ hồ sơ gốc và nộp cho Sở Giáo dục và Đào tạo:
(5) Kết quả giải quyết: Quyết định cho phép thành lập cơ sở đào tạo ngắn hạn (trung tâm ngoại ngữ).
Bước 3: Xin cấp phép hoạt động giáo dục cho trung tâm ngoại ngữ
(1) Hồ sơ xin giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ bao gồm:
+ Văn bản đăng ký hoạt động giáo dục;
+ Bản sao chứng thực Quyết định cho phép thành lập cùng với hồ sơ đề nghị cho phép thành lập;
+ Quy chế tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ;
+ Báo cáo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tình hình góp vốn, vay vốn, tổng số vốn đầu tư đã thực hiện;
+ Báo cáo giải trình cơ sở đã đáp ứng các điều kiện theo quy định;
+ Hồ sơ nhân sự cụ thể là Danh sách lãnh đạo và nhân sự của Trung tâm ngoại ngữ, Danh sách và lý lịch cá nhân của cán bộ, giáo viên, giảng viên (cơ hữu, thỉnh giảng); Cấp học, trình độ đào tạo, ngành, nghề đào tạo;
+ Báo cáo cụ thể là Chương trình, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập, danh mục sách giáo khoa và tài liệu tham khảo chính; Đối tượng tuyển sinh, quy chế và thời gian tuyển sinh; Quy chế đào tạo; Quy mô đào tạo; Các quy định về học phí và các loại phí liên quan; Quy định về kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành chương trình môn học, mô đun, trình độ đào tạo; Mẫu văn bằng, chứng chỉ sẽ được sử dụng.
(2) Cơ quan giải quyết: doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Sở Giáo dục và Đào tạo nơi đặt trụ sở chính.
(3) Thời hạn giải quyết:
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định các điều kiện theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép hoạt động.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc thư điện tử cho nhà đầu tư.
Trường hợp cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện để hoạt động, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cấp có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lời bằng văn bản cho nhà đầu tư, trong đó nêu rõ lý do.
(4) Kết quả: Giấy phép hoạt động trung tâm ngoại ngữ.
Bài viết tham khảo: Kinh nghiệm mở trung tâm ngoại ngữ
Chuyên mục tham khảo: Giấy phép trung tâm ngoại ngữ
Trên đây là ý kiến tư vấn pháp lý của Luật Thành Đô về Trình tự mở trung tâm ngoại ngữ có vốn nước ngoài. Nếu Quý khách còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này có thể liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp và tư vấn. Với đội ngũ luật sư nhiệt huyết, tận tình và giàu kinh nghiệm, Luật Thành Đô rất hân hạnh khi được hỗ trợ giải đáp những vướng mắc và trở thành người đồng hành của Quý khách trong thời gian tới.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn