Khi tham gia vào quan hệ lao động, người lao động nào cũng phải tuân thủ kỷ luật lao động, chấp hành đúng các quy định trong nội quy lao động. Kỷ luật lao động là một nhân tố quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó duy trì quan hệ lao động ổn định, hài hòa.

Hơn nữa việc tuân theo kỷ luật lao động cũng giúp người lao động tự rèn luyện trở nên mẫu mực, có tác phong công nghiệp đặc biệt là trong xã hội hiện đại ngày nay. Vậy pháp luật lao động hiện hành quy định về khái niệm và các hình thức kỷ luật như thế nào? Luật Thành Đô xin tư vấn cụ thể như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bộ luật lao động số 45/2019/QH14;

– Nghị định số 05/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 148/2018/NĐ-CP.

II. KỶ LUẬT LAO ĐỘNG LÀ GÌ?

Theo điều 117 Bộ luật lao động, Kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong Nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Theo đó, nội dung của nội quy lao động bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

+) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

+) Trật tự tại nơi làm việc;

+) An toàn, vệ sinh lao động;

+) Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+) Việc bảo vệ tài sản và bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động;

+) Trường hợp được tạm thời chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động;

+) Các hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động và các hình thức xử lý kỷ luật lao động;

+) Trách nhiệm vật chất;

+) Người có thẩm quyền xử lý kỷ luật lao động.

Như vậy có thể hiểu kỷ luật lao động là những tiêu chuẩn quy định hành vi cá nhân của người lao động dựa trên ý chí người sử dụng lao động cũng như pháp luật hiện hành, và người lao động có nghĩa vụ tuân thủ, nếu có vi phạm thì phải chịu trách nhiệm.

Kỷ luật lao động là gì ? Các hình thức kỷ luật lao động
Kỷ luật lao động là gì ? Các hình thức kỷ luật lao động

III. CÁC HÌNH THỨC KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Theo quy định tại điều 124 Bộ luật lao động. các hình thức kỷ luật lao động bao gồm:

3.1. Hình thức khiển trách

Đây là hình thức kỷ luật nhẹ nhất đối với người lao động, áp dụng với những trường hợp vi phạm lần đầu, ở mức độ nhẹ hoặc theo Nội quy lao động và Thỏa ước lao động nếu có quy định. Việc áp dụng hình thức khiển trách có thể thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản.

3.2. Hình thức kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng

Hình thức xử lý kỷ luật này áp dụng đối với người lao động đã bị khiển trách bằng văn bản mà vẫn tái phạm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm, hoặc theo quy định trong Nội quy lao động và Thỏa ước lao động.

3.3. Hình thức cách chức

Hình thức xử lý cách chức được áp dụng khi người lao động đang giữ một chức vụ nhất định. Người lao động chỉ bị cách chức với các lỗi vi phạm dẫn đến kỷ luật cách chức được quy định trong nội quy lao động.

3.4. Hình thức sa thải

Đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất được áp dụng với những hành vi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp được quy định tại điều 125 Bộ luật lao động như sau:

– Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý tại nơi làm việc;

– Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;

– Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương hoặc cách chức mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật. Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật;

– Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.

Theo đó, trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm:

+) Do thiên tai, hỏa hoạn;

+) Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật;

+) Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Phân biệt các loại hợp đồng lao động theo pháp luật hiện hành

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về khái niệm và các hình thức kỷ luật lao động. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (1 bình chọn)