Luật Cư trú 2020 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2021 tới đây đã có những quy định cụ thể hơn trước về việc đăng ký tạm trú. Đăng ký tạm trú là một biện pháp giúp các cơ quan nhà nước quản lý được tình hình dân cư, nhân khẩu trên địa bàn mình.

Người vi phạm quy định về đăng ký tạm trú sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều người không hiểu rõ về quy định đăng ký tạm trú, khi nào thì phải đăng ký tạm trú, khi nào không. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Câu hỏi của khách hàng:

Xin chào Luật sư. Tôi quê ở Hải Dương, thỉnh thoảng có lên thăm người thân ở Hà Nội mấy ngày. Xin hỏi tôi có cần đăng ký tạm trú không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Luật sư trả lời:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ

– Luật Cư trú 2020

– Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

II. TẠM TRÚ LÀ GÌ?

Khoản 9 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định:

“Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.”

Khoản 5 Điều 3 Luật Cư trú 2020 quy định:

“Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.”

Các trường hợp không phải đăng ký tạm trú theo quy định pháp luật
Các trường hợp không phải đăng ký tạm trú theo quy định pháp luật

III. KHI NÀO PHẢI ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ?

Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

1. Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

2. Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần

3. Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật này.

Từ quy định trên ta thấy một công dân phải đăng ký tạm trú khi:

– Đến sinh sống ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú.

– Có chỗ ở hợp pháp.

– Sinh sống từ 30 ngày trở lên.

IV. TRƯỜNG HỢP NÀO KHÔNG PHẢI ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ?

Từ quy định được dẫn chiếu ở mục trên, ta có thể suy ra các trường hợp không phải đăng ký tạm trú bao gồm:

– Trường hợp đăng ký thường trú.

– Trường hợp đến sinh sống ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú chưa đến 30 ngày.

Tuy nhiên trong trường hợp sinh sống ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú chưa đến 30 ngày thì công dân phải thông báo lưu trú.

Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định về thông báo lưu trú như sau:

1. Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.

2. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

3. Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.

4. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

5. Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.

Như vậy, nếu bạn chỉ đến chơi nhà người thân ít hơn 30 ngày thì bạn không cần đăng ký tạm trú mà chỉ cần thông báo lưu trú. Khi bạn đến nhà thăm người thân thì thành viên trong hộ gia đình người thân bạn có trách nhiệm thông báo việc lưu trú của bạn với cơ quan đăng ký cư trú theo quy định như trên. Trường hợp bạn đến thăm ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.

Còn nếu bạn đến chơi nhà người thân trên 30 ngày thì bắt buộc phải đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật.

V. KHÔNG ĐĂNG KÝ TẠM TRÚ, KHÔNG THÔNG BÁO LƯU TRÚ CÓ BỊ XỬ PHẠT KHÔNG?

Khoản 1 Điều 8 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:

1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú;

b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.

Như vậy, nếu bạn không đăng ký tạm trú hoặc không thông báo lưu trú thì có thể sẽ bị phạt từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

5 ly do nen su dung dich vu phap ly
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý Luật Thành Đô

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)