Hiện nay, nhiều địa phương đang tiến hành cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân. Nhiều người đồn nhau rằng cần phải làm thẻ căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021 dẫn đến nhiều người đổ xô đi làm. Nhưng sự thực có phải bắt buộc làm căn cước công dân gắn chip? Trong bài viết sau đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Luật căn cước công dân;

– Thông tư 06/2021/TT-BCA quy định về mẫu thẻ căn cước công dân;

– Thông tư 59/2019/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp Căn cước công dân.;

– Thông tư 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

Có bắt buộc làm căn cước công dân gắn chip không ?
Có bắt buộc làm căn cước công dân gắn chip không ?

II. THẺ CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP LÀ GÌ?

Khoản 1 Điều 3 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:

“Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định của Luật này.”

Ngày 03/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1368/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân gắn chíp có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần,… có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân. Trong đó, chíp có khả năng lưu trữ thông tin sinh trắc học (như vân tay) cho phép xác thực chính xác con người; thực hiện ký số. Do đó, thông tin chủ thẻ được định danh một cách chính xác, giảm thiểu nguy cơ giả mạo thẻ, đảm bảo an toàn bảo mật trong các giao dịch tài chính.

Trong thời gian tới khi thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp đầy đủ các thông tin, khi người dân giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân gắn chíp để thực hiện các giao dịch.

Theo Bộ Công an, chíp được gắn trên thẻ căn cước công dân là để lưu trữ các thông tin của công dân với mục tiêu tạo điều kiện thuận tiện cho công dân thực hiện các giao dịch hành chính, đi lại; không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Trong trường hợp bị mất thẻ căn cước công dân gắn chip cũng không có nguy cơ lộ thông tin.

III. CÓ BẮT BUỘC PHẢI LÀM CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP KHÔNG?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư 06/2021/TT-BCA:

– Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 23/01/2021 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định;

– Nếu công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

Theo Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, công dân được cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chip trong các trường hợp sau đây:

– Khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

– Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

– Xác định lại giới tính, quê quán;

– Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

– Khi công dân có yêu cầu.

Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong trường hợp sau:

– Bị mất thẻ Căn cước công dân;

– Được trở lại quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, không phải bắt buộc tất cả công dân đều phải đổi thẻ căn cước công dân mã vạch, chứng minh nhân dân đang còn thời hạn sử dụng sang thẻ căn cước công dân gắn chip.

IV. TẠI SAO NÊN LÀM CĂN CƯỚC CÔNG DÂN GẮN CHIP TRƯỚC NGÀY 1/7/2021?

Mặc dù đổi sang căn cước công dân gắn chip không phải là bắt buộc với tất cả công dân, nhưng bạn vẫn nên đi làm căn cước công dân gắn chip trước ngày 1/7/2021.

Thứ nhất, khi đi làm căn cước công dân gắn chip, thông tin của công dân sẽ được cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngày 01/7/2021 là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện, khi đó việc thực hiện các thủ tục hành chính có thể thuận tiện hơn cho người dân do không cần phải mang theo nhiều giấy tờ.

Thứ hai, hiện nay, Bộ công an đang tổ chức cấp căn cước công dân lưu động cho người dân. Đồng thời, nhiều địa phương còn tổ chức cấp Căn cước ngoài giờ hành chính, đến tận nửa đêm, thuận tiện cho những người phải đi làm trong giờ hành chính không đi làm căn cước được.

Thứ ba, đến trước ngày 01/7/2021, lệ phí cấp Căn cước công dân gắn chip được giảm 50%. Cụ thể:

– Chuyển từ Chứng minh nhân dân sang Căn cước công dân: 15.000 đồng/thẻ.

– Đổi thẻ Căn cước công dân: 25.000 đồng/thẻ.

– Cấp lại thẻ Căn cước công dân: 35.000 đồng/thẻ.

Bài viết cùng chủ đề:

Thay đổi căn cước công dân có cần đổi sổ đỏ không ?

Hướng dẫn Thủ tục tiến hành khiếu nại

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật 0919.089.888 để được hỗ trợ giải đáp.

Đánh giá bài viết này