Với sự phát triển của công nghệ, giao dịch điện tử ngày càng trở nên phổ biến và đang dần thay thế các giao dịch truyền thống. Đối với những giao dịch điện tử, việc bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu cho người dùng được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Khi đề cập đến những phương pháp giải quyết được vấn đề này, không thể không nhắc đến chữ ký số. Vậy chữ ký số là gì? Chữ ký số có tác dụng như thế nào? Cùng Luật Thành Đô đi tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

– Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Chữ ký số là gì? Tác dụng của chữ ký số (ẢNH MINH HỌA)
Chữ ký số là gì? Tác dụng của chữ ký số (ẢNH MINH HỌA)

II. CHỮ KÝ SỐ LÀ GÌ?

2.1. Khái niệm chữ ký số

Chữ ký là một trong những hình thức thể hiện ý chí các bên trong các giao dịch, là dấu hiệu xác định sự “đồng ý” của các bên.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 09 năm 2018 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bằng sự biến đổi một thông điệp dữ liệu sử dụng hệ thống mật mã không đối xứng, theo đó, người có được thông điệp dữ liệu ban đầu và khóa công khai của người ký có thể xác định được chính xác:

– Việc biến đổi nêu trên được tạo ra bằng đúng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai trong cùng một cặp khóa;

– Sự toàn vẹn nội dung của thông điệp dữ liệu kể từ khi thực hiện việc biến đổi nêu trên.

Trong đó:

– “Hệ thống mật mã không đối xứng” là hệ thống mật mã có khả năng tạo được cặp khóa bao gồm khóa bí mật và khóa công khai.

–  “Khóa” là một chuỗi các số nhị phân (0 và 1) dùng trong các hệ thống mật mã.

– “Khóa công khai” là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được sử dụng để kiểm tra chữ ký số được tạo bởi khóa bí mật tương ứng trong cặp khóa.

– “Khóa bí mật” là một khóa trong cặp khóa thuộc hệ thống mật mã không đối xứng, được dùng để tạo chữ ký số.

– “Chứng thư số” là một dạng chứng thư điện tử do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số cấp nhằm cung cấp thông tin định danh cho khóa công khai của một cơ quan, tổ chức, cá nhân, từ đó xác nhận cơ quan, tổ chức, cá nhân là người ký chữ ký số bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng.

Hiểu một cách đơn giản, chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử, có vai trò như chữ ký của cá nhân và con dấu của doanh nghiệp, dùng để chứng thực “tác giả” của văn bản và giúp người nhận kiểm tra được tính toàn vẹn của nội dung văn bản gốc.

2.2. Đặc điểm của chữ ký số

– Chữ ký số gồm 2 lớp mã khóa: khóa công khai và khóa bí mật. Đối với khóa bí mật, chỉ người chủ sở hữu được biết, còn khóa công khai được cung cấp cho những người được quyền truy cập.

– Chữ ký số được thể hiện ra bên ngoài dưới hình dạng một chiếc USB, gọi là USB Token.

– Chữ ký số được bảo mật bằng mật khẩu được gọi là mã PIN.

2.3. Giá trị pháp lý của chữ ký số

– Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bằng chữ ký số và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.

– Trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần được đóng dấu của cơ quan tổ chức thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu thông điệp dữ liệu đó được ký bởi chữ ký số cơ quan, tổ chức và chữ ký số đó được đảm bảo an toàn theo quy định.

– Chữ ký số và chứng thư số nước ngoài được cấp giấy phép sử dụng tại Việt Nam có giá trị pháp lý và hiệu lực như chữ ký số và chứng thư số do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cấp.

2.4. Điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số

– Chữ ký số được tạo ra trong thời gian chứng thư số có hiệu lực và kiểm tra được bằng khóa công khai ghi trên chứng thư số đó.

– Chữ ký số được tạo ra bằng việc sử dụng khóa bí mật tương ứng với khóa công khai ghi trên chứng thư số do một trong các tổ chức sau đây cấp:

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia;

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng (Ví dụ như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel; Công ty cổ phần Hệ thống Thông tin FPT…);

+ Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn cho chữ ký số chuyên dùng.

– Khóa bí mật chỉ thuộc sự kiểm soát của người ký tại thời điểm ký.

III. TÁC DỤNG CỦA CHỮ KÝ SỐ

– Chữ ký số có tác dụng xác định người ký, là “bằng chứng” chống lại việc chối bỏ trách nhiệm trên nội dung các bên đã ký. Điều này giúp các cá nhân, doanh nghiệp cảm thấy yên tâm khi ký kết giao dịch.

– Chữ ký số giúp bảo mật thông tin tuyệt đối, đảm bảo sự toàn vẹn của văn bản được ký. Đây là tác dụng nổi bật của chữ ký số, là ưu điểm vượt trội so với chữ ký tay thông thường.

– Giúp các cá nhân, doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí đi lại, khắc phục hạn chế về khoảng cách khi các giao dịch điện tử được ký bởi chữ ký số có thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn, đặc biệt khi phải ký các giao dịch với cơ quan nhà nước như phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng… Hơn nữa, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay, việc giảm thiểu sự tiếp xúc trở nên cần thiết.

Bài viết liên quan:

Thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

Những việc cần làm sau khi thành lập công ty cổ phần

Quy định pháp luật về con dấu doanh nghiệp

Trên đây là tư vấn của công ty Luật Thành Đô về chủ đề: “Chữ ký số là gì? Tác dụng của chữ ký số?”. Quý khách có thắc mắc cần được giải đáp vui lòng liên hệ luật sư qua Hotline: 0919 089 888 để được tư vấn chi tiết.

Đánh giá bài viết này