- Chuyên mục: Tư vấn luật hôn nhân
- Ngày đăng: 06/08/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Trong hôn nhân, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng là điều không thể tránh khỏi dù hai vợ chồng đã cố gắng hết sức nhưng không thể hàn gắn, khi mục đích hôn nhân không đạt được thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án xem xét cho ly hôn. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014). Theo đó có hai trường hợp yêu cầu giải quyết ly hôn theo hình thức đơn phương ly hôn và ly hôn thuận tình.
Bài viết dưới đây của Công ty Luật Thành Đô sẽ hướng dẫn Thủ tục xin đơn phương ly hôn tại Tòa án.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;
Luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình;
Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06 tháng 01 năm 2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình;
Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự;
Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09 tháng 08 năm 2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự;
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
II. THỦ TỤC ĐƠN PHƯƠNG LY HÔN TẠI TÒA ÁN
Pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm ly hôn đơn phương đưa ra khái niệm chung của ly hôn. Do đó, cũng có thể hiểu ly hôn đơn phương là ly hôn theo yêu cầu của một bên, xảy ra khi chỉ một bên vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn do cuộc sống hôn nhân không như mong muốn.

2.1. Quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương
Căn cứ tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về đối tượng ly hôn đơn phương như sau:
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Theo đó thì việc ly hôn đơn phương để được Tòa án giải quyết thì cần dựa trên những căn cứ như sau:
Thứ nhất, khi một trong hai bên vợ hoặc chồng có hành vi ngược đãi, thường xuyên đánh đập, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhau hoặc vi phạm nghĩa vụ nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ/ chồng như tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau, không tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển về mọi mặt,…
Thứ hai, khi người vợ/chồng yêu cầu tuyên bố người chồng/ vợ của mình mất tích và đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ phải xem xét xem các điều kiện đã đủ để tuyên bố người đó mất tích hay chưa để giải quyết cho ly hôn. Nếu không đáp ứng đủ điều kiện tuyên bố người thì Tòa án sẽ bác bỏ các yêu cầu của người yêu cầu giải quyết ly hôn.
Thứ ba, ngoài một trong hai bên vợ/ chồng yêu cầu đơn phương ly hôn thì còn cha/ mẹ/ người thân thích khác cũng có quyền đơn phương ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 trong trường hợp mà một trong hai bên vợ/ chồng bị tâm thần hay bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ hành vi của mình và đồng thời là nạn nhân của bạo lực do chồng/ vợ gây ra ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, tâm thần của chính người đó.
Tuy nhiên, dù là căn cứ nào trên đây nếu là người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng.
2.2. Trình tự thủ tục đơn phương ly hôn tại Tòa án
Bước 1: Nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn tại TAND có thẩm quyền
Để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương, người yêu cầu phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ kèm các loại giấy tờ như sau:
– Đơn xin ly hôn theo mẫu của Tòa án (Nghị quyết 01/2017/ NQ-HĐTP sửa đổi bởi Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP)
– Bản chính giấy chứng nhận kết hôn (nếu mất bản chính thì phải có bản sao của Ủy ban nơi đăng ký kết hôn trước đây để xin cấp trích lục bản sao từ sổ gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của hai vợ chồng trước đó đã đăng ký và được lưu trữ);
– Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của các con chung (nếu đã có con chung);
– Bản sao có công chứng sổ hộ khẩu (nếu là tạm trú thì phải có giấy khai báo tạm trú hoặc xác nhận của công an nơi vợ/ chồng tạm trú);
– Bản sao có công chứng giấy chứng minh nhân dân/ căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người yêu cầu;
– Bản sao có công chứng giấy tờ về nhà đất, tài sản khác như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); Giấy chứng nhận đăng ký xe; sổ tiết kiệm; Giấy chứng nhận vốn góp; Cổ phiếu; … (của vợ chồng);
– Tài liệu chứng cứ chứng minh có liên quan.
Sau khi người yêu cầu chuẩn bị xong hồ sơ thì sẽ nộp cho Tòa án cấp quận/ huyện nơi cư trú của bị đơn, còn việc kết hôn có yếu tố nước ngoài nguyên đơn sẽ nộp tại Tòa án cấp tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ương. Nguyên đơn có thể nộp thông qua một trong ba hình thức:
– Nộp trực tiếp;
– Gửi qua đường bưu chính;
– Hoặc làm hồ sơ online với các thông tin như hồ sơ giấy trong Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bước 2: Tòa án xem xét đơn
Kể từ khi nhận được hồ sơ của nguyên đơn thì trong 03 ngày làm việc, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết. Sau đó tiến hành kiểm tra hồ sơ, nếu đáp ứng đủ điều kiện thụ lý, Thẩm phán được phân công sẽ ra thông báo nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm, nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì sẽ yêu cầu nguyên đơn bổ sung hoàn thiện trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu.
Bước 3: Nộp tiền tạm ứng án phí
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền Theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định cụ thể về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, cụ thể như sau:
– Nếu không có tranh chấp vê tài sản, thì mức án phí ở cấp sơ thẩm là 300.000 đồng.
– Nếu có tranh chấp tài sản thì áp dụng án phí có giá nghạch tương ứng với tỉ lệ tài sản sẽ từ 300.000 đồng trở lên. Trong đó, cao nhất với tài sản hơn 04 tỷ đồng thì án phí 112 triệu đồng cộng 0,1% của phần giá trị tài sản vượt 04 tỷ đồng.
Nguyên đơn sẽ nộp tiền tại Chi cục thi hành án Quận/ huyện và nộp lại biên lai cho Tòa án. Sau đó, Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án. (Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Bước 4: Tòa án giải quyết vụ ly hôn đơn phương
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Tòa án tiến hành lấy lời khai của hai bên, mở phiên tòa hòa giải.
– Nếu hòa giải thành thì Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải và sau 07 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cao khánh nghị.
– Nếu hòa giải không thành, Tòa án sẽ dựa vào căn cứ ly hôn đơn phương để ra Bản án hoặc Quyết định giải quyết cho ly hôn (không phụ thuộc vào việc bị đơn có đồng ý hay không).
Sau khi ra quyết định đưa vụ án xét xử các bên được Tòa án gửi ngay giấy triệu tập và thông báo về thời gian, địa điểm mở phiên Tòa sơ thẩm.
Thời gian giải quyết ly hôn tại cấp sơ thẩm: từ từ 4 đến 6 tháng (nếu bị đơn vắng mặt hoặc có tranh chấp tài sản chung thì có thể kéo dài hơn tối đa là 08 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án) (Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
– Giải quyết ly hôn tại cấp phúc thẩm: từ 3 đến 4 tháng (nếu có kháng cáo bản án sơ thẩm kéo dài tối đa là 05 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án); (Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015).
Phân chia tài sản chung, theo quy định của pháp luật về việc phân chia tài sản như sau:
– Tài sản riêng của bên nào sẽ thuộc về bên đó.
– Tài sản chung được pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa hai bên khi thực hiện thủ tục ly hôn, nếu không thỏa thuận được thì sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết.
Về con chung, vợ chồng sẽ tự thỏa thuận về người sẽ trực tiếp nuôi con. Nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao con cho một bên nuôi dựa vào quyền lợi về mọi mặt của con. Các con trên 07 tuổi thì sẽ được Tòa án triệu tập và lấy lời khai về nguyện vọng sống với bố/ mẹ.

Bài viết liên quan:
Thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn
Điều kiện để được nuôi con khi ly hôn
Trên đây là quy định của pháp luật về thủ tục đơn phương ly hôn tại Tòa án của pháp luật về Hôn nhân và Gia đình và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nếu còn bất kỳ vướng mắc nào liên quan, đề nghị Qúy khách liên hệ với Luật Thành Đô để được hỗ trợ giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn