- Chuyên mục: Tư vấn luật đất đai
- Ngày đăng: 13/05/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Thế chấp một sổ đỏ tại nhiều ngân hàng là vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay. Thế chấp là một trong những biện pháp bảo đảm tương đối phổ biến nhằm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản. Theo đó bên có nghĩa vụ dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền.
Hiện nay, việc người dân sử dụng sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để thế chấp vay ngân hàng diễn ra ngày một nhiều bởi những ưu việt, thuận lợi của nó. Tuy nhiên, nhiều người vấn thắc mắc một sổ đỏ có được thế chấp nhiều lần tại nhiều ngân hàng hay không? Sau đây, Luật Thành Đô xin tư vấn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật đất đai số 45/2013/QH13
– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13
II. THẾ CHẤP SỔ ĐỎ VAY NGÂN HÀNG LÀ GÌ?
Về khái niệm thế chấp sổ đỏ, có thể hiểu thế chấp quyền sử dụng đất là việc người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ và không giao đất cho bên nhận thế chấp. Trong trường hợp này, bên thế chấp sẽ giao Giấy chứng nhận cho bên nhận thế chấp.
Về điều kiện thế chấp sổ đỏ, điều 188 Luật đất đai quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi đáp ứng điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của nhà nước; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện việc thế chấp.
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.

III. CÓ ĐƯỢC THẾ CHẤP MỘT SỔ ĐỎ TẠI NHIỀU NGÂN HÀNG KHÔNG?
Điều 296 Bộ Luật dân sự 2015 quy định về việc một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ như sau:
– Tài sản bảo đảm có giá trị tại thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
– Bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác. Mỗi lần bảo đảm phải được lập thành văn bản.
– Trường hợp phải xử lý tài sản để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn thì các nghĩa vụ khác tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các bên cùng nhận bảo đảm đều được tham gia xử lý tài sản. Bên nhận bảo đảm đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu các bên cùng nhận bảo đảm không có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc bên bảo đảm dùng tài sản khác để bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
Theo quy định trên, một sổ đỏ có thể được thế chấp tại nhiều ngân hàng khi đáp ứng các điều kiện sau:
Thứ nhất, sổ đỏ tại thời điểm xác lập giao dịch thế chấp lớn hơn tổng giá trị các nghĩa vụ được bảo đảm tại các ngân hàng nhận thế chấp. Ví dụ, bạn có sổ đỏ được định giá là 5 tỉ đồng, bạn dùng giấy này làm tài sản thế chấp cho nghĩa vụ trả nợ khoản vay tại ngân hàng A là 2 tỉ và tại ngân hàng B là 1 tỉ.
Thứ hai, không tồn tại bất kỳ thỏa thuận nào về việc hạn chế hoặc không cho phép dùng sổ đỏ đã thế chấp để tiếp tục thế chấp. Ví dụ, nếu trong hợp đồng thế chấp tại ngân hàng A có điều khoản không cho phép người thế chấp tiếp tục dùng sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng khác thì sẽ không được tiến hành thế chấp sổ đỏ lần hai.
Thứ ba, bên thế chấp phải thông báo cho ngân hàng nhận thế chấp sau biết về việc sổ đỏ của mình đang được dùng để thế chấp tại một ngân hàng khác. Mỗi lần thế chấp phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật hiện hành. Đồng thời việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Lưu ý:
– Trường hợp phải xử lý sổ đỏ để thực hiện một nghĩa vụ đến hạn tại một ngân hàng thì các nghĩa vụ khác tại các ngân hàng còn lại tuy chưa đến hạn đều được coi là đến hạn và tất cả các ngân hàng nhận thế chấp đều được tham gia xử lý tài sản.
– Ngân hàng nào đã thông báo về việc xử lý tài sản có trách nhiệm xử lý tài sản, nếu giữa các ngân hàng không có thỏa thuận khác.
– Trường hợp các ngân hàng muốn tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn thì có thể thỏa thuận về việc yêu cầu người thế chấp dùng tài sản khác để xác lập một quan hệ thế chấp thay thế bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ chưa đến hạn.
Bài viết cùng chủ đề:
Đối tượng được nhà nước giao đất, cho thuê đất
Chưa có sổ đỏ có được thế chấp quyền sử dụng đất không ?
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn có được thế chấp một sổ đỏ tại nhiều ngân hàng không? Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919.089.888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn