Một di chúc được coi là hợp pháp khi thỏa mãn các điều kiện mà pháp luật quy định. Di chúc không hợp pháp có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu. Tuy nhiên điều kiện để lập một di chúc hợp pháp là gì thì không phải ai cũng hiểu rõ. Trong bài viết dưới đây, Luật Thành Đô sẽ giúp các bạn trả lời câu hỏi này.

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Dân sự 2015

II. ĐIỀU KIỆN CÓ HIỆU LỰC CỦA DI CHÚC

Để di chúc có hiệu lực pháp luật, di chúc được lập phải tuân thủ các điều kiện sau đây:

2.1. Người lập di chúc phải có năng lực chủ thể

– Người lập di chúc là người:

+ Từ đủ 18 tuổi có đầy đủ năng lực hành vi dân sự

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.

Di chúc như thế nào là hợp pháp
Di chúc như thế nào là hợp pháp

2.2. Người lập di chúc tự nguyện

Người lập di chúc phải tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

Cưỡng ép có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, giam giữ…) hoặc về tinh thần (dọa làm một việc có thể làm mất danh dự, uy tín của người lập di chúc…). Người lập di chúc có thể bị lừa dối bằng những thủ đoạn như: làm giả tài liệu để người có tài sản tin rằng một người đã chết hoặc mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó…

2.3. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội

– Di chúc gồm các nội dung:

+ Ngày, tháng, năm lập di chúc;

+ Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

+ Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

+ Di sản để lại và nơi có di sản.

+ Các nội dung khác.

Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Nội dung di chúc không được trái pháp luật, trái đạo đức xã hội và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.

2.4. Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật

* Di chúc miệng:

Di chúc miệng chỉ được công nhận là hợp pháp khi người lập di chúc ở trong tình trạng tính mạng bị đe dọa nghiêm trọng mà không thể lập di chúc viết được (bị bênh sắp chết, bị tai nạn có nguy cơ chết…)

Người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng kí tên hoặc điểm chỉ.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ kí hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Sau 3 tháng kể từ ngày lập di chúc miệng nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng hủy bỏ.

* Di chúc bằng văn bản gồm các loại:

– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng: Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng:

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng.

Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

+ Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

+ Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

– Di chúc bằng văn bản có công chứng

– Di chúc bằng văn bản có chứng thực

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản.

* Việc lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, di chúc do công chứng viên lập tại chỗ ở phải tuân theo thủ tục:

Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã ký vào bản di chúc.

Trường hợp người lập di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã chứng nhận bản di chúc trước mặt người lập di chúc và người làm chứng.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục tuyên bố mất tích

Trường hợp nào Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị đơn ?

Trên đây là ý kiến tư vấn của Luật Thành Đô, mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 1900 1958 để được hỗ trợ giải đáp.

5/5 - (1 bình chọn)