Hiện nay, trường hợp người dân đi thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để vay tiền ngân hàng diễn ra tương đối phổ biến. Khi cần lượng vốn lớn, số tiền đầu tư cao, rất nhiều cá nhân sử dụng phương pháp vay thế chấp sổ đỏ tại ngân hàng bởi ưu thế về lãi suất thấp, thời gian trả lãi dài hạn, dễ dàng hơn cho người dùng khi xoay sở hoàn lãi.

Pháp luật đất đai quy định rất cụ thể về thủ tục thế chấp sổ đỏ vay vốn, tuy nhiên nhiều người còn băn khoăn đối với thủ tục đăng ký thế chấp. Luật Thành Đô xin tư vấn về thủ tục này như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Luật đất đai số 45/2013/QH13

– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13

– Thông tư số 07/2019/TT-BTP Hướng dẫn một số nội dung về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

– Nghị định số 102/2017/NĐ-CP Về đăng ký biện pháp bảo đảm

Thủ tục đăng ký thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng
Thủ tục đăng ký thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng

II. VAY THẾ CHẤP SỔ ĐỎ LÀ GÌ?

Khoản 1 điều 317 Bộ luật dân sự 2015 quy định thế chấp tài sản là việc một bên (bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (bên nhận thế chấp).

Theo đó, có thể hiểu vay thế chấp sổ đỏ là việc người đi vay dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) làm tài sản thế chấp để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với ngân hàng. Sổ đỏ có thể do ngân hàng nắm giữ hoặc thỏa thuận để bên thứ ba nắm giữ.

III. ĐIỀU KIỆN VAY THẾ CHẤP SỔ ĐỎ

Về loại đất được thế chấp, theo khoản 1 điều 179 Luật đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuộc một trong những loại đất sau được quyền thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng:

– Đất nông nghiệp được Nhà nước giao trong hạn mức

– Đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất

– Đất được cho thuê trả tiền đất một lần cho cả thời gian thuê

– Đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất

– Đất nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế

Về điều kiện thế chấp, điều 188 quy định người sử dụng đất được thế chấp quyền sử dụng đất khi đáp ứng điều kiện sau:

– Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất của nhà nước; trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền thế chấp khi có đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Trường hợp người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước thì phải thực hiện xong nghĩa vụ tài chính trước khi thực hiện việc thế chấp.

– Đất không có tranh chấp;

– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

– Trong thời hạn sử dụng đất.

Bên cạnh đó, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

IV. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THẾ CHẤP SỔ ĐỎ

Theo điều 188 Luật đất đai, khi muốn thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng thì cần tiến hành những công việc sau:

– Kiểm tra Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác để xác định tính xác thực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính liên quan đến quyền sử dụng đất;

– Xác định đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

– Kiểm tra thực địa, khảo sát, đo đạc và tiến hành định giá tài sản;

– Nhận bản gốc Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ hợp pháp khác theo quy định;

– Lập và ký Hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng và bên thế chấp (người có quyền sử dụng đất), thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp tại tổ chức hành nghề công chứng.

– Đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký đất đai.

Theo đó, sau khi ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng thì cần tiến hành thủ tục đăng ký thế chấp tại Văn phòng đất đai để hợp đồng này có hiệu lực. Thủ tục đăng ký được tiến hành như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Hồ sơ đăng ký thế chấp sổ đỏ được quy định tại điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP bao gồm:

– Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (01 bản chính).

– Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

– Bản chính Giấy chứng nhận.

– Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).

– Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau đây:

+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);

+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người vay tiền tiến hành nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai

Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả

Căn cứ quy định tại điều 48 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký đất đai ghi nội dung đăng ký thế chấp, nội dung bảo lưu quyền sở hữu, đăng ký thay đổi, xóa đăng ký và thời điểm đăng ký theo đúng thứ tự tiếp nhận hồ sơ vào Sổ địa chính và Giấy chứng nhận. Sau khi ghi vào sổ địa chính và Giấy chứng nhận, thì chứng nhận nội dung đăng ký vào phiếu yêu cầu đăng ký.

Trường hợp cơ quan đăng ký phát hiện trong sổ đăng ký, Giấy chứng nhận, phiếu yêu cầu đăng ký có sai sót về nội dung đã đăng ký do lỗi của mình, thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm chỉnh lý thông tin sai sót về nội dung đăng ký và gửi văn bản thông báo về việc chỉnh lý thông tin đó cho người yêu cầu đăng ký theo địa chỉ ghi trên phiếu yêu cầu đăng ký.

Trường hợp người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất đã đăng ký do lỗi của cơ quan đăng ký, thì trong thời hạn 01 ngày làm việc, Văn phòng đăng ký đất đai đính chính thông tin sai sót trên Giấy chứng nhận và số đăng ký, chứng nhận việc sửa chữa sai sót vào phiếu yêu cầu sửa chữa sai sót và trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật Thành Đô

Bài viết cùng chủ đề:

Thủ tục cho thuê nhà ở

Thủ tục thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về thủ tục đăng ký thế chấp sổ đỏ vay vốn ngân hàng. Nếu quý bạn đọc còn có những băn khoăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề này, vui lòng liên hệ qua Tổng đài tư vấn pháp luật 0919 089 888 của Luật Thành Đô để được tư vấn chi tiết./.

5/5 - (2 bình chọn)