Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Sự ra đời này được các doanh nghiệp dịch vụ rất quan tâm, “săn đón”. Bởi lẽ, các quy định Luật lần này đã tạo ra những thay đổi cơ bản và ảnh hưởng không ít đến họ. Trong nội dung bài viết này, Luật Thành Đô sẽ thông tin đến Quý doanh nghiệp những điểm mới cơ bản của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14.

Điểm mới của luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Điểm mới của luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Thứ nhất, Luật số 69/2020/QH14 đặt ra các quy định về vấn đề minh bạch và nâng cao điều kiện cấp phép cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

(1) Về vốn.

Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

(2) Về người đại diện theo pháp luật.

Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên, không có án tích về tội xâm phạm an ninh quốc gia, không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm.

(3) Có trang thông tin điện tử.

Thứ hai, vấn đề điều chỉnh thông tin trên Giấy phép khi thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 13) thay vì thủ tục đổi giấy phép theo quy định của pháp luật hiện hành.

Vấn đề cấp đổi giấy phép theo quy định hiện tại trong Luật số 72/2006 thì doanh nghiệp được đổi Giấy phép khi được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh nếu có đủ các điều kiện theo quy định.

Đến Luật số 69/2020/QH14 đã quy định cụ thể về việc: Khi có sự thay đổi thông tin so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp dịch vụ có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép..

Như vậy, theo Luật số 69/2020/QH14 thì khi doanh nghiệp thay đổi thông tin trên giấy phép sẽ được đề nghị để điều chỉnh lại giấy phép cho phù hợp mà Luật số 69/2020/QH14 không đề cập đến việc phải đáp ứng đủ các điều kiện thì mới được điều chỉnh giấy phép. Xét về bản chất thì quy định này cũng không có ý nghĩa thay đổi nhiều về mặt nội dung bởi lẽ về cơ bản trong suốt quá trình hoạt động doanh nghiệp dịch vụ luôn phải duy trì và đảm bảo các điều kiện khi được cấp phép.

liên hệ luật sư tư vấn pháp luật
liên hệ luật sư tư vấn pháp luật

Thứ ba, quy định về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

So với Luật hiện hành thì Luật số 69/2020/QH14 đặt ra vấn đề chuẩn bị nguồn lao động (sơ tuyển và bổ túc nghề, ngoại ngữ cho người lao động) trước khi đăng ký Hợp đồng cung ứng lao động. Quy định này nhằm đảm bảo người lao động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của bên tiếp nhận lao động nước ngoài.

Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được chuẩn bị nguồn lao động nếu đáp ứng hai điện kiện sau: (i) Khi có yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc theo thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động; và (ii) Phải thông báo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo quy định.

Thứ tư, thay đổi quy định về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dự thảo Luật số 69/2020/QH14 bổ sung một số quy định liên quan đến tiền dịch vụ nhằm giảm thiếu tối đa chi phí đối với người lao động như:

Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động.

Ngoài ra, Luật số 69/2020/QH14 cũng bãi bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ so với quy định của Luật số 72/2006.

Thứ năm, quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ

Khoản 4 Điều 23 Luật số 69/2020/QH14 đã quy định cụ thể mức trần tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ được phép thu từ người lao động như sau:

– Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc. Đối với sỹ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển, mức trần là không quá 1,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc.

– Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động.

– Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng, thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động;

– Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định mức trần tiền dịch vụ thấp hơn các quy định trên.

Thứ sáu, về thủ tục công bố giấy phép

Luật số 69/2020/QH14 đã quy định “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin, doanh nghiệp dịch vụ phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp” thay thế cho quy định tại Luật số 72/2006 “Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày được cấp hoặc đổi Giấy phép, doanh nghiệp phải đăng nội dung Giấy phép trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.”

Quy định này xuất phát từ quy định doanh nghiệp bắt buộc phải có trang thông tin điện tử nếu muốn xin giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

5 lý do nên sử dụng dịch vụ của luật thành đô
5 lý do nên sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô

Bài viết có thể bạn quan tâm:

Những lưu ý đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về Những điểm mới cơ bản của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào xin vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp các thắc mắc.

5/5 - (1 bình chọn)