- Chuyên mục: Tư vấn giấy phép
- Ngày đăng: 05/10/2020
- Tác giả: Ban biên tập
Kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 9 điều 3 Luật du lịch năm 2017 là: “việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch”. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng nhiều của người dân, nhiều doanh nghiệp được thành lập để kinh doanh dịch vụ lữ hành; trong đó, có kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý trong đó có lĩnh vực tư vấn về giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: “Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VỀ ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH LỮ HÀNH QUỐC TẾ
– Luật du lịch số 09/2017/QH14;
– Nghị định số 168/2017/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của luật du lịch;
– Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL Quy định chi tiết một số điều của luật du lịch;
– Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch;
– Thông tư số 34/2014/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý tiền ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.

II. ĐIỀU KIỆN CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH LỮ HÀNH QUỐC TẾ
Theo quy định tại khoản 2 điều 31 Luật du lịch năm 2017, để kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Thứ nhất, điều kiện về pháp nhân được kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: phải là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2014;
– Thứ hai, điều kiện về ký quý của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP, số tiền ký quỹ của Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế phải ký quỹ tại ngân hàng là:
+ Đối với dịch vụ kinh doanh lữ hành với khách du lịch vào Việt Nam: 250.000.000 đồng (Hai trăm năm mươi triệu đồng Việt Nam);
+ Đối với dịch vụ kinh doanh lữ hành với khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng Việt Nam);
+ Đối với dịch vụ kinh doanh lữ hành với khách du lịch vào Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng Việt Nam);
– Thứ ba, điều kiện về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế phải có người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành. Người phụ trách đó phải đáp ứng các điều kiện sau:
+ Phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trong trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Chuyên ngành về lữ hành được hướng dẫn tại Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL gồm:
- Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;
- Quản trị lữ hành;
- Điều hành tour du lịch;
- Marketing du lịch;
- Du lịch;
- Du lịch lữ hành;
- Quản lý và kinh doanh du lịch;
- Quản trị du lịch MICE;
- Đại lý lữ hành;
- Hướng dẫn du lịch;
- Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành’, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở giáo dục ở Việt Nam đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực; Ngành, nghề, chuyên ngành có thể hiện một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch” do cơ sở đào tạo nước ngoài đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp.
- Trường hợp bằng tốt nghiệp không thể hiện các ngành, nghề, chuyên ngành thì bổ sung bảng điểm tốt nghiệp hoặc phụ lục văn bằng thể hiện ngành, nghề, chuyên ngành, trong đó có một trong các cụm từ “du lịch”, “lữ hành”, “hướng dẫn du lịch”.’
Trong trường hợp người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế.
Với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế tại Hà Nội, về lớp đào tạo nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế, Luật Thành Đô cung cấp đến Doanh nghiệp thông tin cơ bản như sau.
– Nơi cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế: Công ty cổ phần giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường cao đẳng Văn Lang Hà Nội là đơn vị đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Địa chỉ: Số 451 Hoàng Quốc Việt – Cầu Giấy – Hà Nội.
– Thời gian đào tạo: 02 tháng;
– Thời gian khải giảng: tùy từng đợt (Luật Thành Đô sẽ thông tin đến khách hàng khi có yêu cầu);
– Mức học phí cho mỗi khóa đào tạo: 2.500.000 đồng + Lệ phí thi 300.000 đồng (Lưu ý: học phí có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm và theo chính sách của công ty);
– Hồ sơ nhập học của người phụ trách kinh doanh dịch vũ lữ hành quốc tế bao gồm: 2 ảnh 3×4; 01 CMND photo; Bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên có chứng thực.
+ Chức danh của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành là người giữ một trong các chức danh sau:
– Chủ tịch hội đồng quản trị đối với Công ty cổ phần;
– Chủ tịch hội đồng thành viên đối với Công ty TNHH 2 thành viên trở lên;
– Chủ tịch công ty đối với Công ty TNHH 1 thành viên;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân;
– Tổng giám đốc hoặc Giám đốc hoặc phó giám đốc; hoặc Trưởng bộ phận kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.

>>> Chi tiết điều kiện về vốn: https://luatthanhdo.com/dieu-kien-ve-von-kinh-doanh-lu-hanh-quoc-te
III. THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP KINH DOANH LỮ HÀNH QUỐC TẾ
3.1. Danh mục hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Hồ sơ xin Giấy phép lữ hành quốc tế được quy định cụ thể tại điều 33 Luật du lịch năm 2017, bao gồm:
(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế (theo mẫu số 04 thông tư số: 06/2017/TT-BVHTTDL);
(2) Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
(3) Giấy chứng nhận ký quỹ của ngân hàng cấp cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế;
(4) Bản sao có chứng thực các giấy tờ sau của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:
– Văn bằng tốt nghiệp của người phụ trách;
– Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân sau: Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của người phụ trách;
– Người phụ trách phải có sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương;
– Các chứng chỉ khác (nếu có) của người phụ trách.
(5) Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm của Doanh nghiệp hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
3.2. Trình tự cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế
Theo quy định tại khoản 2, điều 33 Luật du lịch năm 2017, trình tự xin giấy phép lữ hành quốc tế như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp xin giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế theo mục 2.2 đến Phòng Hành chính – Pháp chế, Tổng cục Du lịch;
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ hợp lệ, Tổng cục Du lịch tiến hành thẩm định, cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp và có thông báo tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
Trường hồ sơ không hợp lệ, Tổng cục du lịch từ chối cấp Giấy phép lữ hành quốc tế được thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do đến Doanh nghiệp.

Các bài viết tham khảo:
Xin giấy phép lữ hành quốc tế như thế nào?
Trên đây là bài viết của Luật Thành Đô giới thiệu về: “Điều kiện xin cấp Giấy phép lữ hành quốc tế”. Đến với Luật Thành Đô, Quý khách sẽ được tư vấn chi tiết và giải đáp mọi vướng mắc trong quá trinh xin giấy phép cũng như quá trính hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế. Luật Thành Đô sẽ mang đến sự hài lòng cho Quý khách khi Quý khách sử dụng dịch vụ của Luật Thành Đô.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn