- Chuyên mục: Tư vấn đầu tư
- Ngày đăng: 07/10/2021
- Tác giả: Luật sư Nguyễn Lâm Sơn
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu đầu tư vào thị trường Việt Nam đó là quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện thực hiện đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam như thế nào? Để làm rõ vấn đề này, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới các nhà đầu tư đang và sẽ có nhu cầu tiếp cận thị trường Việt Nam nội dung tư vấn về “điều kiện thực hiện đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Biểu cam kết WTO
– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;
– Luật quảng cáo 2012;
– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư;
– Nghị định số 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư;
– Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán
– Biểu cam kết WTO về dịch vụ của Việt Nam;
– Các văn bản pháp luật có liên quan khác.

II. ĐIỀU KIỆN THỰC HIỆN ĐẦU TƯ TỪ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM
Khi thực hiện hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết hoặc là thành viên. Cụ thể nhà đầu tư phải tuân thủ các điều kiện sau:
2.1. Ngành nghề tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư từ nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ các trường hợp sau:
– Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được công bố tại Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
– Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường theo quy định tại Mục A Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
– Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Mục B Phụ lục I của Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường theo quy định của pháp luật Việt Nam khi đầu tư những ngành nghề này.
>>> Xem thêm: Mẫu giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
2.2. Điều kiện về hình thức đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện việc đầu tư vào Việt Nam phải thực hiện việc đầu tư theo một trong các hình thức dưới đây:
– Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
– Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
– Thực hiện dự án đầu tư.
– Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
– Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
2.3. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư từ nước ngoài trong tổ chức kinh tế
Hạn chế về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các điều ước quốc tế về đầu tư được áp dụng như sau:
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế và thuộc đối tượng áp dụng của một hoặc nhiều điều ước quốc tế về đầu tư thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế đó không được vượt quá tỷ lệ cao nhất theo quy định của một điều ước quốc tế có quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với một ngành, nghề cụ thể;
– Trường hợp nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc cùng một quốc gia hoặc vùng lãnh thổ góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thì tổng tỷ lệ sở hữu của tất cả các nhà đầu tư đó không được vượt quá tỷ lệ sở hữu quy định tại điều ước quốc tế về đầu tư áp dụng đối với các nhà đầu tư đó;
– Đối với công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán hoặc quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán thì tỷ lệ sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán như sau:
+ Công ty đại chúng: tối đa là 50% (Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
+ Công ty chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán: tối đa là 100% (Điều 77 Luật Chứng khoán 2019).
Lưu ý: trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán;
– Trường hợp tổ chức kinh tế có nhiều ngành, nghề kinh doanh mà điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế đó không vượt quá hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngành, nghề có hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất.
2.4. Phạm vi hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam
* Đối với các ngành, nghề Việt Nam chưa cam kết về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, phạm vi hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài như sau:
– Trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ (sau đây gọi chung là pháp luật Việt Nam) không có quy định hạn chế tiếp cận thị trường đối với ngành, nghề đó thì nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước;
– Trường hợp pháp luật Việt Nam đã có quy định về hạn chế tiếp cận thị trường của nhà đầu tư nước ngoài đối với ngành, nghề đó thì áp dụng quy định của pháp luật Việt Nam.
* Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
* Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.
* Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó. Trường hợp đã lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo một điều ước quốc tế về đầu tư (gồm cả điều ước được ký mới hoặc được sửa đổi, bổ sung sau ngày điều ước đó có hiệu lực mà nhà đầu tư đó thuộc đối tượng áp dụng) thì nhà đầu tư nước ngoài thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo toàn bộ quy định của điều ước đó.
2.5. Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư từ nước ngoài
– Về năng lực của nhà đầu tư được xem xét dưới các khía cạnh: Về tư cách pháp lý của nhà đầu tư; Năng lực tài chính của nhà đầu tư hoặc năng lực kỹ thuật, công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư (nếu có).
– Về đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư: một số ngành nghề kinh doanh khi lựa chọn đầu tư, đòi hỏi nhà đầu tư nước ngoài bắt buộc phải lựa chọn đối tác cùng thực hiện dự án là doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đó. Ví dụ: Trong lĩnh vực quảng cáo.
Theo Điều 40 Luật quảng cáo 2012 luật hóa cam kết gia nhập WTO “kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được thành lập liên doanh hoặc tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được phép kinh doanh dịch vụ quảng cáo” thì nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đầu tư theo hình thức liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh với đối tác Việt Nam đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động quảng cáo.
2.6. Điều kiện khác theo quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài điều kiện nêu từ mục 2.1 đến 2.5, nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện (nếu có) sau đây:
– Sử dụng đất đai, lao động; các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản;
– Sản xuất, cung ứng hàng hóa, dịch vụ công hoặc hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước;
– Sở hữu, kinh doanh nhà ở, bất động sản;
– Áp dụng các hình thức hỗ trợ, trợ cấp của Nhà nước đối với một số ngành, lĩnh vực hoặc phát triển vùng, địa bàn lãnh thổ;
– Tham gia chương trình, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
– Các điều kiện khác theo quy định tại các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ và điều ước quốc tế về đầu tư có quy định không cho phép hoặc hạn chế tiếp cận thị trường đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Bài viết cùng chủ đề:
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật đầu tư
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Luật Thành Đô về điều kiện thực hiện đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam. Trường hợp các nhà đầu tư có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này xin vui lòng liên hệ với Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp.
Vui lòng để lại thông tin liên hệ, chúng tôi sẽ gọi lại ngay cho bạn

- Hotline: 0919.089.888
- Tổng đài: 024 3789 8686
- luatsu@luatthanhdo.com.vn